Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 12/01/2025 16:01
Thứ bảy, 11/01/2025 07:01
TMO – Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc sản xuất nông nghiệp theo phương thức cũ ‘thủ công’ không chỉ gây lãng phí bởi sản lượng và chất lượng thấp mà còn tăng mức độ ô nhiễm đất, nguồn nước và tăng phát thải khí nhà kính, đặc biệt đối với cây lúa. Do đó, việc thay đổi phương thức sản xuất được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến đời sống người dân.
Hành động để thay đổi
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích tự nhiên khoảng hơn 4.000.000 ha, trong đó hơn 2.570.000 ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, là một trong các vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa tại vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn, chiếm trên 55% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng.
Năm 2023, xuất khẩu gạo đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng 17,4% về lượng và 39,4% về giá trị so với năm 2022. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục tăng và tiến dần tới nhóm cao nhất thế giới. Đến năm 2024, xuất khẩu gạo lập mốc kỷ lục mới cả về khối lượng và kim ngạch, với khoảng 9 triệu tấn, đem về 5,7 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu gạo bình quân năm 2024 cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với trên 600 USD/tấn.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ĐBSCL vẫn còn những hạn chế như chưa có nhiều vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị giữa người trồng lúa với hợp tác xã, doanh nghiệp; canh tác lúa chưa bền vững do người nông dân còn sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học gây ảnh hưởng đến môi trường, tăng phát thải khí nhà kính…
Với sản lượng lúa gạo lớn, ĐBSCL tạo ra khoảng 26-27 triệu tấn rơm rạ, trong đó 70% được đốt và vùi vào đất, 30% còn lại được thu gom sử dụng cho trồng nấm, phủ gốc cây trồng, đệm lót vận chuyển trái cây, là thức ăn gia súc. Việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường trong khi vùi rơm rạ vào ruộng ngập nước làm tăng phát thải khí methane (CH4) và khí nhà kính khác. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn nhằm tăng tối đa dinh dưỡng chứa trong rơm, giảm thất thoát dinh dưỡng, giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính đồng thời tăng thu nhập cho người trồng lúa và các dịch vụ sản xuất thương mại liên quan.
Mặt khác trong thời gian gần đây, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi chất lượng gạo phải được nâng cao, phải bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải. Bên cạnh đó, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trước bối cảnh trên, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030". Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả.
Đề án đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng; tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải. Đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Trong quá trình triển khai Đề án với nhiều mô hình thí điểm, nhiều chính sách được đưa ra và phù hợp với xu hướng toàn cầu được thực hiện thí điểm như chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo. Từ thí điểm này, nếu thành công, mô hình sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa "Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao" trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.
(Ảnh minh họa)
Thành quả bước đầu
Là một trong các địa phương được lựa chọn thí điểm triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, sau thời gian triển khai thí điểm, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, trong năm 2024, ngành nông nghiệp An Giang đã triển khai thực hiện 18 mô hình, mỗi mô hình 50 ha với tổng diện tích 900 ha tại 09 huyện thị thành và 04 mô hình thực hiện triệt để theo các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT với diện tích 52 ha tại 04 huyện Phú Tân, Châu Thành, Tri Tôn và Thoại Sơn; Về phía địa phương có Phú Tân, Châu Phú đã triển khai 165 ha theo quy trình 01 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp trong vụ Thu Đông vừa qua. Song song với các mô hình, cũng đã triển khai 93 lớp tập huấn tuyên truyền về thực hiện các tiêu chí 1 triệu ha và 12 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác theo đúng tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Kết quả tổng kết các mô hình cho thấy đã giảm lượng giống trung bình 67 kg lúa giống/ha (Mô hình: 80 kg/ha; Đối chứng: 120 -170 kg/ha); Năng suất ruộng trung bình cao hơn đối chứng 0,1 tấn/ha (Mô hình: 6,5 tấn/ha; Đối chứng: 6,4 tấn/ha); Chi phí sản xuất giảm trung bình 4.000.000 - 5.000.000 đồng/ha; Lợi nhuận mô hình cao hơn đối chứng 3.600.000-5.300.000 đồng/ha. Các mô hình điểm được thực hiện theo quy trình sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao để làm cơ sở cho người sản xuất có cơ hội tham quan, học tập và làm theo, làm cơ sở để nhân rộng cho kế hoạch trong thời gian tới. Bước đầu, với những kết quả khả quan của mô hình điểm có tác động giúp nông dân thay đổi dần tập quán và tư duy trong việc sản xuất theo hướng bền vững và tuân thủ theo một quy trình kỹ thuật sản xuất một cách chặt chẽ.
Đến nay, ngoài 1.117 ha diện tích mô hình được áp dụng triệt để theo các yêu cầu kỹ thuật của quy trình 01 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, toàn tỉnh An Giang còn ghi nhận diện tích cơ bản đạt theo quy trình là 7.419 ha/20.690 ha (đây là phần diện tích được phát triển từ dự án Vnsat đến cuối năm 2023 là 22.310 ha, các diện tích này đã đáp ứng các yêu cầu của quy trình ‘1 phải 5 giảm’, trong số đó có 36 % diện tích đáp ứng chỉ tiêu thu gom rơm. Như vậy, tổng hợp chung diện tích áp dụng theo quy trình 01 triệu ha năm 2024 đạt được 8.536 ha/20.609 ha, đạt 41,4% diện tích kế hoạch của năm 2024.
THIÊN LÝ
Bình luận