Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 21/02/2025 08:02
Thứ ba, 18/02/2025 14:02
TMO – Tăng năng suất, tăng lợi nhuận và lượng phát thải giảm mạnh, nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng diệt tích triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đồng thời, muốn có hệ sinh thái với sự tham gia của nông dân, thương lái, doanh nghiệp, Nhà nước.
Theo Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Chính phủ, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được triển khai tại 12 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể là An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, TP. Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long, với diện tích 1 triệu ha. Đề án sẽ được triển khai theo 02 giai đoạn.
Cụ thể: Giai đoạn 1 (2024 - 2025), giai đoạn này sẽ tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000ha, bao gồm công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch, xây dựng hệ thống Đo đạc - Báo cáo - Thẩm định (MRV), kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho những vùng lúa đạt chuẩn, củng cố các hợp tác xã, duy tu bảo dưỡng một số công trình và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2026 - 2030.
Ở giai đoạn 2 (2026 - 2030), giai đoạn này sẽ xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000ha. Giai đoạn này cũng sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu như đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống hệ thống MRV, đồng thời duy trì sản xuất bền vững ở những vùng Đề án trong giai đoạn 2024 - 2025.
(Ảnh minh họa)
Trong thời gian triển khai thí điểm (các vụ lúa năm 2024), kết quả đã khẳng định hiệu quả thiết thực là nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân so với ngoài mô hình, giảm được lượng phát thải khí nhà kính đáng kể nhờ thực hiện tưới ướt khô xen kẽ, thu gom rơm ra khỏi đồng và giảm lượng giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Chi phí sản xuất có thể giảm từ 10-15%, năng suất gia tăng từ 200-700 kg/ha và lợi nhuận tăng 4-7,6 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình… Đơn cử như mô hình tại TP. Cần Thơ (giống lúa OM5451) tăng lợi nhuận ròng từ 1-6 triệu đồng/ha; mô hình tại Sóc Trăng (lúa ST25) cho lợi nhuận ròng tăng từ 13-18 triệu đồng/ha.
Theo các chuyên gia, phần lớn bà con nông dân tham gia mô hình đều rất phấn khởi và mong muốn tiếp tục tham gia thực hiện mô hình. Đề cập đến những vướng mắc, khó khăn khi thực hiện Đề án là thiếu máy móc để thực hiện gieo sạ nếu mở rộng mô hình quy mô lớn, hệ thống tưới tiêu còn chưa đồng bộ, khó khăn khi thực hiện trong vụ mưa và việc bao tiêu lúa và tín chỉ carbon cần có sự minh bạch và rõ ràng hơn. Các chuyên gia kiến nghị cần tăng cường tuyên truyền và tập huấn để các đối tượng tham gia Đề án nắm rõ ý nghĩa và tuân thủ đúng quy trình sản xuất lúa, đảm bảo tính bền vũng của mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.
Đồng thời, nghiên cứu tăng công suất máy gieo sạ và mở rộng ứng dụng thiết bị bay không người lái trong gieo sạ, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật, giải quyết khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất và thu mua lúa hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu gạo từ Đề án để giúp đảm bảo uy tính và chất lượng, qua đó nâng cao giá trị của gạo.
Các chuyên gia nhận định, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước thách thức rất lớn của biến đổi khí hậu. Bởi vậy, việc triển khai Đề án sẽ đồng thời giải quyết hàng loạt vấn đề của ngành hàng lúa, gạo, như tổ chức lại sản xuất, tư duy canh tác, thị trường... Theo các chuyên gia, hàng chục năm qua, cấu trúc ngành lúa, gạo ở khu vực này rất "manh mún", thiếu liên kết... Do đó, nếu Đề án được thực hiện thành công ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thì sẽ nhân rộng ra các vùng khác. Một số chuyên gia cũng nhấn mạnh về tính liên kết, ngành hàng lúa, gạo muốn bền vững phải có hệ sinh thái với sự tham gia của tất cả các bên: Nông dân, thương lái, doanh nghiệp, Nhà nước. Lãnh đạo các địa phương phải coi đây là một cuộc "cách mạng" thì Đề án mới thực sự tạo bước đột phá.
THIÊN LÝ
Bình luận