Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 06:01
Thứ bảy, 24/12/2022 11:12
TMO - Thời gian tới, UBND thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát hiện trạng các khu đất tại các khu liên hợp xử lý chất thải rắn và theo quy hoạch, đề xuất quy mô, vị trí đầu tư thêm bãi chôn lấp dự phòng theo hình thức đầu tư công để thành phố có thể chủ động trong tất cả các phương án xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
Trước áp lực trong công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố thời gian qua, lãnh đạo TP.HCM quán triệt nhiều nội dung. Theo đó, về nhóm các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt thực hiện hoàn thành đến năm 2025, đối với các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các nhà máy hiện hữu, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan rà soát, chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý và đề xuất UBND thành phố nội dung báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất cơ chế đặt hàng đối với khối lượng chất thải rắn sinh hoạt vượt công suất theo hợp đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt với thành phố.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra thực địa, làm việc với các chủ đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ về các nội dung như công nghệ xử lý, pháp lý quy hoạch, sử dụng đất... để xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý nhằm đẩy nhanh việc xây dựng, đưa dự án đi vào vận hành theo kế hoạch và đề xuất các giải pháp chế tài phù hợp theo quy định hoặc thu hồi dự án đối với các trường hợp không thực hiện đúng tiến độ, không đảm bảo các quy định pháp lý đầu tư hiện hành.
Đối với dự án Xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc thành phố theo phương thức PPP, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương đề xuất UBND thành phố về kế hoạch tổ chức thẩm định báo cáo tiền khả thi dự án, quy trình các bước thủ tục cần thực hiện, phân công trách nhiệm thực hiện các nội dung công việc cụ thể của từng Sở ngành liên quan.
TP.HCM chỉ đạo các sở ngành chức năng đẩy nhanh việc xây dựng các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (Ảnh minh họa)
Về công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn từ năm 2025 trở đi, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp cùng các sở liên quan rà soát, đánh giá tình hình xử lý chất thải rắn của thành phố gắn với Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường đến năm 2030, Đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (đang được Bộ Xây dựng thẩm định) và các nội dung đang xử lý liên quan đến Khu Công nghệ Môi trường Xanh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An để đề xuất kêu gọi đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho TP.HCM tại các khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố và tại Khu Công nghệ Môi trường Xanh để xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho TP.HCM và tỉnh Long An.
Đối với các phương án dự phòng đảm bảo an toàn, an ninh chất thải trên địa bàn thành phố, giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá sự cần thiết của việc điều phối lượng chất thải rắn sinh hoạt về Bãi chôn lấp số 3 tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc thành phố trong phương án dự phòng để xử lý tình huống khẩn cấp về xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, rà soát hiện trạng các khu đất tại các khu liên hợp xử lý chất thải rắn và theo quy hoạch, đề xuất quy mô, vị trí đầu tư thêm bãi chôn lấp dự phòng theo hình thức đầu tư công để thành phố có thể chủ động trong tất cả các phương án xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố, đồng thời là nơi tiếp nhận, xử lý các loại chất thải phát sinh sau quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các nhà máy.
Sở Công thương tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc phê duyệt bổ sung quy hoạch điện các khu xử lý chất thải rắn của thành phố vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia và phối hợp với Bộ Công thương theo dõi tiến độ phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) để hỗ trợ kịp thời các nhóm dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng công nghệ tiên tiến có thu hồi năng lượng.
Thời gian qua, chất CTRSH đa phần được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh (chiếm 60%), còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng), sản xuất phân bón và tái chế. Để đảm bảo đạt mục tiêu tỷ lệ xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%, UBND TP.HCM đã giao Sở TN&MT chủ động, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tham mưu triển khai các nhóm giải pháp. Theo đó, TP.HCM sẽ thực hiện chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH hiện hữu sang đốt phát điện đối với các chủ xử lý đang có hợp đồng xử lý rác thải sinh hoạt với thành phố; đồng thời đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới.
Đức Hải
Bình luận