Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 02:01
Thứ tư, 29/05/2024 11:05
TMO – Các địa phương cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các Tổ chức tín dụng theo thẩm quyền và trách nhiệm đã được giao trong các Luật nêu trên, hoàn thành trong tháng 6/2024 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ gửi HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật các tổ chức tín dụng.
Nội dung Công điện nêu rõ: Để các chính sách mới của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng sớm được triển khai trong thực tiễn, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở và khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
(Ảnh minh họa)
Nhằm xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, kịp thời triển khai ngay sau khi các Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, các Tổ chức tín dụng được Quốc hội đồng ý cho phép có hiệu lực sớm (dự kiến từ ngày 01/8/2024) và thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 25/5/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị HĐND, UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các Tổ chức tín dụng theo thẩm quyền và trách nhiệm đã được giao trong các Luật nêu trên, hoàn thành trong tháng 6/2024 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Quá trình xây dựng, ban hành cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan để đảm bảo đồng bộ, thống nhất của các văn bản pháp luật.
Đối với Luật Đất đai, sáng 18/01 vừa qua, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Luật Đất đai (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua với tỉ lệ tán thành cao. Theo đánh giá, trong lịch sử lập pháp của Quốc hội, chưa có dự án nào trải qua quy trình đặc biệt như dự án Luật Đất đai lần này khi trải qua 4 kỳ họp Quốc hội, 02 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 08 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều buổi làm việc do Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì. Điều này cho thấy tư duy và phương pháp làm việc đổi mới, quyết liệt hành động nhưng rất cẩn trọng, đề cao chất lượng và hiệu quả của Quốc hội và các cơ quan trong hoạt động lập pháp.
Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp. Dự án Luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân.
PHAN HUÝNH
Bình luận