Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 11:11
Thứ sáu, 25/11/2022 12:11
TMO - UBND TP.HCM giao các đơn vị khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo về tiến độ triển khai dự án rạch Xuyên Tâm và dự án nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, qua đó hướng tới mục tiêu của thành phố về chỉnh trang đô thị, hạn chế ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân.
Theo đó, lãnh đạo UBND TPHCM giao Sở Xây dựng khẩn trương hoàn thiện toàn bộ nội dung hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì tổ chức công tác thẩm định dự án, tổng hợp, báo cáo kết quả thẩm định và đề xuất UBND TPHCM để trình HĐND phố tại kỳ họp cuối năm 2022.
Rạch Xuyên Tâm có chiều dài khoảng 8,2km, trong đó phạm vi dự án từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật dài 6,4km - là một trong những con rạch ô nhiễm nhất tại TPHCM. Dự án được phê duyệt năm 2002 với kinh phí 123 tỷ đồng, sau 20 năm chưa triển khai, tổng mức đầu tư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã tăng lên hơn 9.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 4.800 tỷ đồng chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng, với quy mô di dời gần 2.200 căn. Sau khi trình và được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm nay, UBND TPHCM sẽ triển khai các công việc chuẩn bị để triển khai dự án vào năm 2023. TPHCM đặt mục tiêu hoàn thành dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm vào năm 2025.
UBND TP. HCM yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo về tiến độ triển khai dự án rạch Xuyên Tâm. Ảnh: Sỹ Đồng
Về dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, UBND TP.HCM đã có nhiều kiến nghị các bộ, ngành, trong đó sớm xây dựng, công bố suất vốn đầu tư và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho công nghệ đốt rác phát điện thu hồi năng lượng làm cơ sở áp dụng, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định… Dự kiến đến năm 2025, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày tại TPHCM là khoảng 12.500 tấn. TPHCM đặt mục tiêu tỉ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng đến năm 2030 đạt 100%.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao khẩn trương tham mưu, trình UBND thành phố ban hành quyết định thành lập hội đồng thẩm định cấp cơ sở để tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định. Sau đó báo cáo kết quả thẩm định, đề xuất UBND TP.HCM việc có đủ điều kiện để trình dự án này lên HĐND thành phố tại kỳ họp cuối năm 2022. Cùng với đó, lãnh đạo TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, đề xuất vị trí phù hợp theo quy định để xây dựng nhà máy gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch – Kiến trúc tổng hợp.
Trước sự gia tăng khối lượng rác thải, UBND TP đồng thời chỉ đạo các đơn vị khẩn trương báo cáo tiến độ dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng...
Liên quan đến các dự án được triển khai nhằm nâng cao chất lượng môi trường đặc biệt là khắc phục tình trạng ngập sâu tại nhiều khu vực, mới đây tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Nhà Bè và Cần Giờ sau Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, dự án chống ngập do triều trong một năm qua không tiến triển được nhiều do vướng mắc các thủ tục trong bối cảnh dự án đã hoàn thành được 90% khối lượng công việc. Qua làm việc với nhà đầu tư, thành phố thống nhất tái ký hợp đồng và nhà đầu tư cam kết 6 tháng sau đó sẽ thi công hoàn thiện. TPHCM đã gia hạn dự án chống ngập này đến tháng 11/2023, đồng thời, giải quyết các thủ tục để bắt đầu thi công lại công trình.
Về vấn đề ngập của huyện Nhà Bè, quận 7 và một số địa phương trên địa bàn, lãnh đạo thành phố cho biết goài nguyên dân do triều cường còn do mưa. Vì vậy, khi hoàn thành dự án ngăn triều với sáu cống cũng không thể ngăn giải quyết triệt để tình trạng ngập. Do đó, UBND TP.HCM đang giao Sở Xây dựng khảo sát thêm để xem cần làm gì cho đồng bộ hơn, ngăn cơ bản phần thâm nhập do triều. Sở Xây dựng cũng đang rà soát, tham mưu để triển khai các dự án chống ngập do mưa. Trước đây thành phố có 18 điểm ngập, đến nay đã xóa 5 điểm. Sắp tới nếu hoàn thiện dự án ngập do triều, xử lý thêm đồng bộ ngăn triều ở một số cửa thì có thể cải thiện chất lượng môi trường do ngập úng.
Thu Trang
Bình luận