Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ bảy, 23/12/2023 06:12
TMO - Đề án "Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” sẽ ưu tiên xây dựng các mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trên 9 nhóm sản phẩm chủ lực.
Trong sản xuất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những vật tư quan trọng, góp phần bảo vệ và nâng cao năng suất cây trồng, quyết định giá trị và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, việc làm dụng có thể gây ra nhiều hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Do đó, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học là một trong những giải pháp bền vững và chủ động trong công tác bảo vệ thực vật.
Hiện nay, nước ta có 810 loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học với 257 hoạt chất, bao gồm: thuốc bảo vệ thực vật sinh học là các vi sinh vật (chiếm khoảng 13%); thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc tự nhiên, chiết xuất từ thảo mộc (chiếm khoảng 24%); thuốc bảo vệ thực vật sinh học thuộc nhóm hóa sinh (chiếm khoảng 63%). Các loại thuốc này phòng trừ hầu hết các sinh vật gây hại trên các cây trồng khác nhau. Trong 99 nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có 85 nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật hiện nay, thuốc sinh học hiện chiếm 19% và khối lượng sử dụng tăng dần theo thời gian; lợi ích từ sử dụng thuốc sinh học rất rõ. Đây là tiền đề để thực hiện hiệu quả việc phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong thời gian tới. Ba năm gần đây (từ 2020-2022), tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng trung bình trên cả nước duy trì ổn định và tăng từ 16,67% năm 2020 lên 18,49% năm 2022.
Việc đẩy mạnh sử dụng thuốc BVTV sinh học an toàn là một trong những giải pháp góp phần phát triển nông nghiệp bền vững (Ảnh minh họa).
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng việc sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiện nay còn một số hạn chế. Việc sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phần lớn phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài (bản quyền, nguyên liệu, công nghệ) dẫn đến thị trường không ổn định. Phần lớn các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học có mặt trên thị trường Việt Nam đều được nhập từ nước ngoài. Thủ tục đăng ký sản xuất, thử nghiệm thuốc còn rườm rà.
Trước thực trạng trên, Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt Đề án "Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng tỷ lệ sản phẩm thuốc BVTV sinh học trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam lên 30%; tăng lượng sử dụng thuốc BVTV sinh học lên 30% so với tổng lượng thuốc BVTV sử dụng; nâng tỷ lệ cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học lên 90% so với tổng số cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc BVTV.
Cùng với đó, ít nhất 80% các địa phương tập huấn về sử dụng thuốc BVTV sinh học an toàn và hiệu quả cho người sử dụng; xây dựng được mô hình sử dụng thuốc hiệu quả trên 9 nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, gồm: Lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn. Đến năm 2050, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học dẫn đầu trong trong khu vực. Các cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học quy mô công nghiệp có công nghệ, trang thiết bị hiện đại, chủ động sản xuất được các thuốc BVTV sinh học tiên tiến, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Các địa phương xây dựng được mô hình sử dụng thuốc hiệu quả trên 9 nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (Ảnh minh họa: LN).
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ ban hành những cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng mới, mở rộng quy mô công suất sản xuất của các nhà máy sản xuất thuốc BVTV sinh học; Nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất, sử dụng chế phẩm sinh học, vi sinh vật, thảo mộc tận dụng tối đa các nguyên liệu sẵn có để sản xuất nhằm chủ động trong hoạt động sản xuất các thuốc BVTV sinh học.
Các quy trình và hướng dẫn sử dụng các thuốc BVTV sinh học cho một số cây trồng có giá trị kinh tế và tiềm năng xuất khẩu sẽ được nghiên cứu triển khai, nhằm khuyến khích sử dụng thuốc sinh học và sử dụng đúng theo nguyên tắc 4 đúng. Cùng với đó là các cơ chế hợp tác công tư giữa cơ quan quản lý, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, người dân tham gia ký kết triển khai xây dựng và nhân các mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học hiệu quả; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất an toàn, hiệu quả và bền vững, chú trọng đến các cây trồng có giá trị kinh tế cao, phục vụ cho xuất khẩu.
Những chiến dịch truyền thông, tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV sinh học sẽ được quan tâm, đẩy mạnh, với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp, người buôn bán và người sử dụng thuốc BVTV. Cục Bảo vệ thực vật là đơn vị chủ trì, phối hợp xây dựng chương trình, đề tài, dự án hợp tác quốc tế nhằm thu hút đầu tư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về thuốc BVTV sinh học. Đồng thời, chủ trì, phối hợp đánh giá, giám sát việc thực hiện Đề án; Định kỳ tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả triển khai thực hiện, khó khăn, vướng mắc và phương án giải quyết nhằm đạt được mục tiêu của Đề án.
Ngoài việc xây dựng tài liệu và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tập huấn chuyển đổi nhận thức, tư duy của người dân về vai trò, tác dụng lâu dài của việc sử dụng thuốc BVTV sinh học, Cục BVTV sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân mới thành lập, các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô sản xuất thuốc BVTV sinh học hoặc chuyển đổi một phần sản xuất thuốc BVTV hóa học sang sản xuất thuốc BVTV sinh học, hỗ trợ tối đa việc đăng ký các sản phẩm thuốc BVTV sinh học.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chất lượng thuốc BVTV, sẽ được tăng cường, nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV giả, kém chất lượng, thuốc BVTV không có trong Danh mục; thông báo công khai tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Đức Hải
Bình luận