Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 19:11
Thứ ba, 23/07/2024 08:07
TMO - Nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; áp lực lạm phát, tỷ giá có xu hướng tăng; thị trường tài chính, tiền tệ vẫn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; thiên tai, hạn hán, sạt lở, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp... Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và Quý III năm 2024. Nội dung Công điện nêu rõ: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội được bảo đảm, tăng lương được thực hiện theo lộ trình. Tăng trưởng GDP phục hồi mạnh, tính chung 6 tháng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; thu ngân sách nhà nước đạt 60% dự toán; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước trong giới hạn cho phép. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều tăng trưởng tốt. Đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, hiệu quả; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên.
Đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và sinh hoạt của người dân. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường; căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, lãi suất USD thế giới neo ở mức cao, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu... Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; áp lực lạm phát, tỷ giá có xu hướng tăng; thị trường tài chính, tiền tệ vẫn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; thiên tai, hạn hán, sạt lở, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp...
Trước tình hình đó, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, giảm phí, lệ phí đã được ban hành. Khẩn trương nghiên cứu tác động, hoàn thiện, đề xuất Chính phủ Nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 7/2024.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát rủi ro nợ xấu, triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, nhất là cho nhà ở xã hội, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn. Phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng, gói tín dụng hỗ trợ nông, lâm, thủy sản 30 nghìn tỷ đồng…
Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Ảnh minh họa.
Các Bộ, ngành, địa phương quán triệt, coi giải ngân đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm; bám sát kế hoạch, mục tiêu giải ngân chi tiết từng dự án để tập trung chỉ đạo; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; kịp thời điều chuyển vốn từ các nhiệm vụ, dự án không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định; khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án dự kiến khởi công mới cuối năm 2024; khắc phục các bất cập để giải ngân nhanh hơn, sử dụng hiệu quả hơn vốn ODA; kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình chậm tiến độ giao, thực hiện, giải ngân vốn, tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, lãng phí.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, điện, xăng dầu.... Tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng; ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký; thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới.
Riêng Bộ Công Thương, kịp thời có giải pháp quản lý, điều tiết sản xuất, ổn định cung cầu các mặt hàng, nhất là lương thực, thực phẩm, năng lượng và hàng hóa thiết yếu khác, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống. Thực hiện hiệu quả các chính sách đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Thực hiện kịp thời biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài, đưa ra khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường phù hợp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai các giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, làm cho nguồn cung dồi dào, đầy đủ, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, nhất là dịch tả lợn Châu Phi, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và đời sống của người dân; quyết tâm gỡ "thẻ vàng" trong thời gian sớm nhất.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống biến đổi khí hậu, thiên tai, không để bị động bất ngờ; tiếp tục thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, sớm hoàn thành Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, bão, lũ; tham mưu, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân, an toàn đê điều, hồ đập trong mùa mưa bão; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống…/.
THIÊN LÝ
Bình luận