Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Thứ ba, 27/12/2022 07:12
TMO - Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ chiếm 70% tổng sản phẩm nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là 1 trong 6 giải pháp quan trọng cho phát triển sản xuất nông nghiệp của Thành phố Hà Nội đã được cụ thể hóa tại Chương trình 02-CTr/TU về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025”.
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, tạo nguồn lực phát triển nền nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho biết, hiện tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp đạt khoảng 25%. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 131,2ha trồng rau trong nhà lưới; 228,29ha ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; 5,46ha ứng dụng công nghệ không sử dụng đất; 277,4ha ứng dụng công nghệ sản xuất để sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP... Cùng với đó, toàn thành phố có khoảng 211,2ha trồng hoa; 778,9ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao hoặc sản phẩm của công nghệ cao vào quá trình sản xuất.
Ảnh minh họa
Ngành chăn nuôi đang hướng đến các mô hình chăn nuôi lớn, chăn nuôi an toàn sinh học ứng dụng công nghệ cao, từng bước tiến tới quy hoạch chăn nuôi gắn liền với giết mổ, chế biến nhằm cung cấp thực phẩm an toàn, phát triển các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Hiện tại, toàn thành phố có 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động...
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 70% tổng sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao đạt từ 45% trở lên, chăn nuôi đạt từ 80%, thủy sản đạt từ 60% trở lên. Nhằm đạt mục tiêu đề ra, Hà Nội sẽ hỗ trợ hình thành và duy trì phát triển ít nhất 44 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành 1 trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số tiểu vùng sinh thái sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Thành phố cũng hỗ trợ thí điểm 10 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số phát triển sản phẩm OCOP năm 2022; hỗ trợ hình thành, duy trì phát triển 30 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Thời gian tới, để triển khai hiệu quả các mục tiêu trên Hà Nội cần đề xuất các quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tích hợp vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của thành phố. Đồng thời, cần xác định vùng sản xuất chuyên canh có lợi thế, đảm bảo quỹ đất ổn định để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp cũng như đưa ra kế hoạch hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng vùng sản xuất. Tổ chức tập trung, tích tụ ruộng đất, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Ngoài ra, tại Kế hoạch củng cố, kiện toàn hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, thành phố phấn đấu có 250 mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp, phấn đấu có khoảng 70% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp cấp Trung ương và địa phương được hoàn thiện sẽ là nguồn dữ liệu quan trọng để xây dựng, áp dụng các ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin tại các HTX nông nghiệp.
Trần Bình
Bình luận