Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 13:01
Thứ hai, 18/03/2024 08:03
TMO - “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh, sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Thực hiện định hướng này, Chính phủ yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm việc niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Theo tinh thần Nghị quyết 82/2023, Chính phủ yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên độc đáo cho phát triển du lịch bền vùng. Bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, chú trọng vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách theo phương châm “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.
(Ảnh minh họa)
Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, trồng và phát triển hệ thống cây xanh cảnh quan ở các khu du lịch, các đô thị và vùng nông thôn. Nâng cao ý thức của người dân gắn với giáo dục môi trường và bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Các địa phương sẽ ban hành theo thẩm quyền các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia kinh doanh và cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp - nông thôn; Đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm “một cung đường - nhiều điểm đến”…
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, ban hành chính sách tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, cộng đồng có sẵn trang trại, vườn trồng cây lâu năm kết hợp làm du lịch; Bảo đảm quỹ đất cho phát triển du lịch. Khẩn trương hướng dẫn, xác định các loại đất nông nghiệp được kết hợp tổ chức hoạt động du lịch, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Đặc biệt, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành chính sách về thí điểm thực hiện khai thác du lịch kết hợp trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, bảo đảm không thay đổi kết cấu, hiện trạng, tính chất, môi trường và mục đích sử dụng đất.
Thống kê trong tháng 2/2024, ngành du lịch đón hơn 1,53 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1,3% so với tháng 1, gần bằng tháng 2/2019 là 1,58 triệu lượt. Tính chung, tổng số khách quốc tế trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 3 triệu lượt, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước. Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất với 844 nghìn lượt (chiếm 27,7%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 538 nghìn lượt, Đài Loan ở vị trí thứ 3 (198 nghìn lượt), tiếp theo là Mỹ (156 nghìn lượt). Top 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Nhật Bản (107 nghìn lượt), Úc (97 nghìn lượt), Malaysia (92 nghìn lượt), Ấn Độ (79 nghìn lượt), Campuchia (79 nghìn lượt), Thái Lan (76 nghìn lượt).
K. LINH
Bình luận