Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 05:01
Thứ sáu, 13/10/2023 13:10
TMO - Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Bình đầu tư các công trình cấp nước tập trung, tạo cơ sở hoàn thiện chỉ tiêu số hộ dân sử dụng nước sạch trong tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác các công trình cấp nước tập trung cũng bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập.
Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 quy định: các xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có từ 15% đến 20% trở lên số hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thì phải có từ 55% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch trở lên. Tiêu chí này đang gây không ít khó khăn, lúng túng cho các địa phương miền núi khi xây dựng xã nông thôn mới.
Năm 2023, Quảng Bình có 9 xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới và 12 xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, đến đầu tháng 9 này, qua rà soát, vẫn còn một số xã trên địa bàn huyện Lệ Thủy, Tuyên Hóa... chưa đạt tiêu chí về nước sạch, vì thế mục tiêu hoàn thành kế hoạch về đích nông thôn mới của các địa phương này khó đạt được.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có 116 công trình cấp nước nông thôn tập trung, trong đó 37 công trình hoạt động bền vững (31,9%), 15 công trình tương đối bền vững (12,9%), 50 công trình kém bền vững và 14 công trình không hoạt động, bị bỏ hoang. Số liệu Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Bình năm 2022, trong tổng số 198.134 hộ thì tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn là 56,18%, hiện vẫn nhiều xã có tỷ lệ đấu nối sử dụng nước sạch từ công trình tập trung còn thấp. Vì vậy nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh còn rất lớn.
Việc triển khai chỉ tiêu nước sạch theo tiêu chí số 17 của Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Ảnh: HP.
Hiện nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đang quản lý 20 công trình phục vụ cấp nước cho khoảng 60,1% dân số tương đương 20.700 hộ dân tại địa bàn 20 xã, thị trấn thuộc các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch và Lệ Thủy. Như vậy vẫn còn 39,9% tương đương 13.838 hộ chưa được sử dụng nước sạch. Nhu cầu của người dân là rất lớn và đa dạng nhưng tập trung vào ba nhóm đối tượng chính là: hộ chưa được tiếp cận và sử dụng nước sạch, hộ đang dùng nước sạch từ công trình nhỏ lẻ muốn chuyển sang dùng nước sạch từ công trình tập trung, hộ đang sử dụng nước sạch từ công trình tập trung nhưng có yêu cầu cao về chất lượng phục vụ.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Bình cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất của tiêu chí nước sạch trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là phải có 20% số hộ dân sử dụng từ công trình cấp nước tập trung. Tuy nhiên hiện nay ở Quảng Bình vẫn còn một số xã có dân cư phân bố tương đối tập trung nhưng chưa có công trình nước sạch. Bên cạnh đó, nhiều xã mặc dù đã có công trình nhưng quy mô, công suất nhỏ, thiết bị công nghệ xử lý nước không phù hợp cho nên không bảo đảm lưu lượng và chất lượng nước chưa đạt quy chuẩn. Ở một số xã miền núi, vùng sâu, bãi ngang ven biển còn khan hiếm về nguồn nước và do dân cư phân tán nên khó xây dựng công trình cấp nước tập trung do suất đầu tư lớn.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, nâng cao tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch, Trung tâm đã đề ra nhiều giải pháp để phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể: Thực hiện duy tu, sửa chữa các công trình, nâng cấp công suất của các nhà máy hoặc xây dựng mới, mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước sạch đến những vùng nông thôn và khu vực người dân có nhu cầu. Trung tâm đã đề xuất nguồn đầu tư công để thực hiện đầu tư xây dựng mới công trình Cấp nước sinh hoạt cụm xã phía Tây huyện Lệ Thủy (giai đoạn 1), đang thiết kế nâng cấp 04 công trình thuộc dự án Nâng cấp, mở rộng công trình nước sạch nông thôn; đang triển khai thực hiện dự án Nâng cấp, mở rộng công trình nước sạch nông thôn cho các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; nguồn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để duy tu 09 lượt công trình; Vận động nguồn xã hội hóa của Huda để mở rộng mạng lưới cho 05 công trình với 2.900 hộ dân được hưởng tiếp cận.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh lắp đặt đường ống dẫn nước mới tại công trình nước sạch cụm xã Tiến Hóa-Châu Hóa-Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa). Ảnh: BQB.
Bên cạnh đầu tư xây dựng mạng lưới để các hộ dân được tiếp cận, Trung tâm chú trọng công tác vận động, tuyên truyền các hộ gia đình đang sử dụng nước sạch từ công trình nhỏ lẻ, sang sử dụng nước sạch từ công trình tập trung với nhiều lợi thế như áp lực nước mạnh hơn, tiện lợi cho người dân trong việc sử dụng nguồn nước sạch để sinh hoạt; thời gian cấp nước liên tục, chất lượng nước được theo dõi thường xuyên, định kỳ, quản lý tập trung, đồng bộ... Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng quy chế quản lý, vận hành; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.
Đời sống của người dân hiện nay ngày càng được nâng cao, mức độ nhận thức, hiểu biết của người dân về nước sạch tăng lên đáng kể; do đó, người dân cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn đối với việc cung cấp nước sạch. Trung tâm đã có những giải pháp để tăng thêm nguồn cung; đặc biệt là tăng cường áp lực nước để đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi có điều kiện phù hợp thuận lợi để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước dồi dào, ổn định từ hệ thống công trình thuỷ lợi như: hồ chứa, đập dâng,…để cấp nước sinh hoạt.
Ngoài ra, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã chủ động cập nhật công nghệ mới về vấn đề xử lý và cung cấp nước sạch một cách an toàn, hiệu quả; tự động hoá trong vận hành máy móc, thiết bị; nghiên cứu phương án để dần chuyển sang phương thức thanh toán điện tử thuận tiện, nhanh chóng cho người dân; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động làm thay đổi nhận thức và hành vi liên quan đến việc bảo vệ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch, bảo vệ môi trường và các công trình cấp nước.
Bên cạnh đó, hạn chế việc khai thác quá mức các nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, không để xảy ra tình trạng suy kiệt nguồn nước ngầm. Thực hiện điều tra, theo dõi đánh giá bộ chỉ số nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để công khai cho chính quyền các cấp và người dân biết, thực hiện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với công tác đầu tư xây dựng, khai thác sử dụng các công trình nước sạch tập trung nông thôn.
Minh Ngọc
Bình luận