Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ hai, 25/09/2023 14:09
TMO - Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xử lý các nguồn thải của các đơn vị sản xuất.
Tỉnh Thái Nguyên hiện đã được quy hoạch 7 khu công nghiệp (KCN) tập trung, với tổng diện tích 2.395ha. Trong đó, có 5 KCN đã đi vào hoạt động với 283 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, còn lại 2 KCN chưa hoạt động. Hiện nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh đang triển khai quy hoạch KCN Sông Công II mở rộng, với diện tích 300ha tại TP. Sông Công và Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phú Bình, diện tích 900ha tại huyện Phú Bình (675ha đất công nghiệp và 225 ha đất dịch vụ và đô thị). Tháng 3/2022, tỉnh Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất với diện tích đất KCN đến năm 2025 là 3.286ha và Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 là 4.255ha tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 08/3/2022.
Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên cho biết: Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã có 4 khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung, xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra ngoài môi trường gồm: Khu công nghiệp Điềm Thụy - Khu A; Khu công nghiệp Sông Công I và Khu công nghiệp Yên Bình; trong đó, khu công nghiệp Sông Công II và khu công nghiệp Điềm Thuỵ - Khu B đang triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải, trong đó 3 khu đã lắp đặt quan trắc tự động và truyền dữ liệu, 1 khu chưa lắp đặt quan trắc tự động là Khu A của Khu công nghiệp Nam Phổ Yên.
Hệ thống xử lý nước thải là một trong những hạ tầng bảo vệ môi trường quan trọng tại các KCN trên địa bàn tỉnh trước khi đưa vào vận hành. Ảnh: DH.
Đối với dự án Khu công nghiệp Sông Công II đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam, được triển khai từ năm 2018 có diện tích 250 ha nhưng đến nay mới giải phóng mặt bằng được 170 ha và đặc biệt chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải. KCN Sông Công II đang trong quá trình thi công xây dựng nên chưa phát sinh nước thải. Hệ thống xử lý nước thải tập trung đang trong quá trình lắp đặt máy móc thiết bị, chưa vận hành nên chưa có nước thải sau xử lý phát sinh (chưa thực hiện quan trắc nước thải sau xử lý).
Những năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của Thái Nguyên luôn đứng thứ 4 cả nước. Trong tháng 8/2023, Thái Nguyên là 1 trong số 49 tỉnh, thành phố trên cả nước có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng dương. Là trung tâm công nghiệp của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, sức hút của môi trường đầu tư tại Thái Nguyên với các dự án FDI ngày càng lớn, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh những năm gần đây luôn đứng ở tốp đầu cả nước (năm 2022 đạt trên 1,5 tỷ USD). Các doanh nghiệp FDI tại tỉnh đang tạo việc làm cho khoảng 100.000 lao động, trong đó có trên 40% là công dân Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn.
Nhằm đảm bảo việc chấp hành tốt các quy định về bảo vệ mội trường trong các khu công nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ môi trường đối với các dự án ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát chất lượng nước sau khi xử lý qua hệ thống xử lý nước thải của từng doanh nghiệp. Ngoài ra, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, kịp thời nắm bắt và kiến nghị xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp...
Tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trong đó chú trọng việc tăng cường cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật về môi trường khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là việc xử lý nước thải Khu công nghiệp Trung Thành, Khu công nghiệp Sông Công II... Bên cạnh đó, Ban quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên tiếp tục đôn đốc nhắc nhở, yêu cầu các chủ hạ tầng hoàn thiện theo quy định. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, khuyến khích các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Sông Công I cải tạo nâng cấp và đầu tư mới thiết bị máy móc hiện đại hạn chế sự cố phát thải ra môi trường; phổ biến và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về bảo vệ môi trường.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường của khu công nghiệp.
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến mục tiêu, trong giai đoạn 10 năm 2021-2030 và sau năm 2030, tổng diện tích quỹ đất quy hoạch phát triển khu công nghiệp và cụm công nghiệp toàn tỉnh đạt khoảng 7.377,83 ha; trong đó tổng diện tích quy hoạch khu công nghiệp là 4.420,98ha và tổng diện tích quy hoạch cụm công nghiệp là 2.956,85 ha.
Đến năm 2025, phấn đấu lấp đầy khoảng 55%-60% diện tích đất công nghiệp trong 07 khu công nghiệp đã quy hoạch của tỉnh và đạt khoảng 80-90% trong giai đoạn 2026-2030 (bao gồm cả phần mở rộng). Phấn đấu lấp đầy đất công nghiệp của cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tương ứng là 35-45% vào năm 2025 và khoảng 65-70% vào năm 2030 (với các cụm công nghiệp đã thành lập). Phấn đấu 100% các khu công nghiệp có doanh nghiệp hoạt động hoàn thành đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên triển khai thực hiện nghiêm quy định tại Điều 51 Luật Bảo vệ môi trường; đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường của khu công nghiệp, chấm dứt việc xả nước thải vào hệ thống thoát nước mưa trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành (chậm nhất trước ngày 31/12/2024, quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 51 Luật Bảo vệ môi trường).
Yêu cầu chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp không tiếp nhận thêm dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất trong khu công nghiệp trường hợp khu công nghiệp không có hoặc không đáp ứng một trong các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường quy định tại Điều 48 Nghị định số 08/2022NĐ-CP. Yêu cầu chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp không tiếp nhận thêm dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất trong khu công nghiệp trường hợp khu công nghiệp không có hoặc không đáp ứng một trong các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường quy định tại Điều 48 Nghị định số 08/2022NĐ-CP.
Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực từ đầu năm 2022 với 9 nội dung mang tính đột phá, trong đó có các nội dung liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp trong KCN như: mở rộng đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; phí nước thải bằng 10% giá nước sạch; phải có giấy phép mới được xử lý chất thải nguy hại; chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bị công khai thông tin…
Trong đó, các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp được quy định cụ thể như: Quy hoạch các khu chức năng trong khu công nghiệp phải bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng của các loại hình sản xuất gây ô nhiễm với các loại hình sản xuất khác; thuận lợi cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; Bên cạnh đó, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp có nghĩa vụ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Trong giai đoạn triển khai xây dựng khu công nghiệp; trách nhiệm bảo vệ môi trường chủ yếu thuộc về doanh nghiệp là chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. với quá trình hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật trong khu công nghiệp, các hạng mục về bảo vệ môi trường phải được xây dựng. Các hạng mục đó gồm: hệ thống thoát nước mưa, hệ thống xử lý nước thải tập trung (gồm hệ thống thu gom nước thải, nhà máy xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước thải), khu vực lưu giữ chất thải rắn (nếu có), hệ thống quan trắc nước thải tự động và các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khác.
Đối với giai đoạn khu công nghiệp đi vào hoạt động, doanh nghiệp phải vận hành thường xuyên, liên tục công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu công nghiệp, bảo đảm diện tích cây xanh trong khu công nghiệp theo quy định của pháp luật. Thực hiện chương trình quan trắc môi trường khu công nghiệp theo quy định của pháp luật. Tổng hợp, báo cáo kết quả quan trắc môi trường và công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp gửi Ban quản lý các khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 12 hàng năm....
Đức Hải
Bình luận