Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 18/04/2025 12:04
Thứ năm, 10/04/2025 08:04
TMO – Không những là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho hàng triệu người dân TP. HCM, Long An, Bình Dương, hồ Dầu Tiếng còn giúp đẩy mặn cho sông Sài Gòn – một trong những dòng sông mang nhiều giá trị.
Đơn vị quản lý, vận hành hồ Dầu Tiếng cho biết, vừa xả nước hồ Dầu Tiếng với tổng lưu lượng khoảng hơn 5 triệu m3 xuống sông Sài Gòn. Đợt xả nước kéo dài suốt 24 giờ với lưu lượng ổn định 60 m3/s. Đây là mức xả được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo không gây ngập úng cho các xã, phường ven sông Sài Gòn.
Việc xả nước lần này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đẩy mặn, cải thiện chất lượng nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho hàng triệu người dân khu vực hạ du, trong đó có TP. HCM, Bình Dương và Long An, khu vực này đang bước vào cao điểm mùa khô.
Theo tìm hiểu, hồ Dầu Tiếng được thiết kế xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1985. Hồ nằm ở khu vực ranh giới giữa Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Hồ có diện tích khoảng trên 270 km2, chứa 1,58 tỉ m3 nước ngọt, được thiết kế phục vụ đa mục tiêu như phục vụ sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp và phòng, giảm lũ; cải thiện chất lượng môi trường; chống xâm ngập mặn cho vùng hạ du sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông thuộc các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An và TP. HCM.
Dầu Tiếng - một trong những hồ lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh: TH
Dầu Tiếng được đưa vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Hồ có phạm vi hành lang bảo vệ gồm đập chính (phía thượng lưu và hạ lưu, phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ chân đập trở ra); đập tràn (phạm vi bảo vệ phía thượng lưu là 300 m, tính từ tường cánh về phía lòng hồ; phạm vi bảo vệ phía hạ lưu là 300 m, tính từ tường cánh tràn xả lũ, 50 m tính từ vai tràn trở ra mỗi bên); đập phụ (phía thượng lưu, phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ chân đập thượng lưu về phía lòng hồ; phía hạ lưu, đo theo khoảng cách thực tế từ chân đập hạ lưu đến hết mép đường nhựa ĐT781 -Tây Ninh)…
Cống lấy nước số 1, 2, 3: phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ điểm ngoài cùng của tường hướng dòng trở ra vào phía lòng hồ; hạ lưu cống, phạm vi bảo vệ là 300 m tính từ điểm cuối của tường cánh trở ra; chiều rộng khu vực bảo vệ cách chân mái ngoài kênh chính ra mỗi bên là 5 m. Phạm vi bảo vệ diện tích phần lòng hồ là 270 km2, ứng với mực nước dâng bình thường là +24,4 m trở xuống phía lòng hồ.
Đối với phạm vi hành lang bảo vệ của các công trình đầu mối (đập chính, đập tràn, đập phụ, tuyến đường ống tuynen, cống lấy nước và kênh dẫn) thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và các quy định pháp luật khác có liên quan. Đối với phạm vi của lòng hồ và vùng phụ cận hồ chứa nước tiếp tục thực hiện các hoạt động đa mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về thủy lợi và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Với cảnh quan thiên nhiên rộng, đẹp, hồ Dầu Tiếng là điểm du lịch sinh thái lý tưởng.
Được biết, để phát huy tiềm năng, thế mạnh, tỉnh Bình Dương vừa thông qua nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại bán đảo Tha La (hồ Dầu Tiếng, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng). Đây là bước đi quan trọng để mời gọi đầu tư, lập quy hoạch chi tiết, cấp giấy phép và quản lý đầu tư xây dựng.
Quy hoạch này bao gồm diện tích khoảng 458 ha, trong đó có 36 ha mặt nước hồ tự nhiên để bố trí cầu tàu, hồ nuôi sinh vật và trồng cây thủy sinh. Dự án dự kiến sẽ cung cấp gần 4.900 phòng, phục vụ tối đa từ 37.000 đến 61.600 khách mỗi ngày. Dự án nằm tại xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, với ba mặt giáp hồ Dầu Tiếng và một mặt giáp rừng phòng hộ Núi Cậu.
TRẦN MIÊN
Bình luận