Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 12:01
Thứ hai, 13/03/2023 14:03
TMO - Tỉnh Đồng Nai tiếp tục huy động, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình cấp nước sạch nông thôn, qua đó nâng cao tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022, Đồng Nai duy trì 100% số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, 82,65% người dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn, vượt so với chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra. Hiện toàn tỉnh có 88 công trình cấp nước tập trung, trong đó 56 công trình đang hoạt động với tổng công suất trên 64 nghìn m3/ngày đêm. Hiệu suất khai thác từ các công trình cấp nước tập trung chưa cao, chỉ mới đạt hơn 50,2%.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, trong năm 2022 toàn tỉnh đã đầu tư hoàn thành 7 công trình cấp nước sạch nông thôn với tổng công suất thiết kế 2.680m3/ngày đêm. Trong đó có 1 công trình đã đi vào hoạt động và đang cung cấp nước cho người dân; 6 công trình xây dựng hoàn thành, đang lập thủ tục bàn giao đưa vào sử dụng và triển khai lắp đặt đồng hồ sử dụng nước cho người dân. Ngoài ra, có 3 công trình đang được triển khai xây dựng tại các huyện Định Quán, Vĩnh Cửu, Thống Nhất với tổng công suất thiết kế 104.430m3/ngày đêm.
Các địa phương nhất là tại các huyện vùng sâu, vùng xa cần quản lý vận hành công trình cấp nước sạch hiệu quả, đảm bảo người dân được tiếp cận, sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh việc tập trung nguồn lực đầu tư các công trình nước sạch nông thôn, tỉnh cũng mở rộng phạm vi đấu nối từ công trình cấp nước đô thị cho các vùng nông thôn đã góp phần nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch tập trung từ gần 27% lên gần 35% trong năm 2022. Đây là những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy, nhiệm vụ đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi và thích ứng biến đối khí hậu giai đoạn 2020-2025 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp với mục tiêu nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch nông thôn. Mục tiêu phấn đấu năm 2023, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt 83,5%. Để đạt được mục tiêu này, dự kiến trong năm nay toàn tỉnh tiếp tục triển khai thi công mới 10 công trình cấp nước sạch nông thôn, đấu nối mở rộng phạm vi cấp nước từ công trình cấp nước đô thị với khoảng 1.985km đường ống, tổng công suất khoảng 156.410m3/ngày.
Theo Kế hoạch cấp nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025 duy trì tỷ lệ số dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ số dân được sử dụng nước sạch theo QCVN 01-1:2018/BYT hoặc Quy chuẩn kỹ thuật địa phương (Gọi tắt là QCVN 01) đạt 85%; duy trì tỷ lệ 100% các Trường mầm non, phổ thông và các Trạm y tế xã ở nông thôn có đủ nước sạch đạt QCVN 01.
Trong đó, năm 2023 duy trì 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% các Trường mầm non, phổ thông và các Trạm y tế xã ở nông thôn có đủ nước sạch đạt QCVN 01; 83,5% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt QCVN 01. Năm 2024, duy trì 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% các Trường mầm non, phổ thông và các Trạm y tế xã ở nông thôn có đủ nước sạch đạt QCVN 01; 84,5% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt QCVN 01. Kế hoạch được triển khai toàn diện trên địa bàn nông thôn tỉnh Đồng Nai, bao gồm: 120 xã của 10 huyện, thành phố. Trong đó, ưu tiên cho những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn, vùng cạn kiệt nguồn nước, vùng kinh tế xã hội khó khăn, các vùng có tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch và vệ sinh còn thấp, vùng phát triển mạnh làng nghề.
Thi công đường ống nước sạch tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: BĐN.
Thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân về sử dụng nước sạch nông thôn nhằm nâng cao sức khỏe của người dân. Rà soát, đánh giá chất lượng nước sau xử lý tại các công trình cấp nước hiện hữu, thực hiện đầu tư mạng lưới cấp nước đấu nối từ các công trình cấp nước mặt trong khu vực, đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước đối với các công trình cấp nước tập trung tại những khu vực không có công trình cấp nước mặt thay thế, đảm bảo chất lượng đạt QCVN 01. Thông qua công tác tuyên truyền vận động trực tiếp để đẩy nhanh tốc độ lắp đặt tuyến ống phân phối, ống nhánh và thủy kế vào hộ dân đối với các hệ thống cấp nước mới đầu tư hoàn thành, nhằm phát huy tối đa công suất nhà máy, công trình tăng số lượng hộ dân được sử dụng nước sạch.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác quản lý các công trình cấp nước tập trung nông thôn; đôn đốc công tác sửa chữa, nâng cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của công trình. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh khung giá nước đảm bảo thu đủ chi phí vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn. Lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia (Đặc biệt là chương trình nông thôn mới); các chương trình, đề án hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương trên địa bàn; các chương trình, dự án khác hỗ trợ có mục tiêu về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đang triển khai trên địa bàn nông thôn.
Nguyên Bình
Bình luận