Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 07:11
Thứ hai, 24/07/2023 15:07
TMO - Cây dầu rái cổ thụ trên 200 năm tuổi có chiều cao khoảng 30m, hoành gốc khoảng 9m, hoành thân khoảng trên 6m trong khuân viên đình Thoại Ngọc Hầu được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
UBND huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang vừa tổ chức lễ đón bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây dầu rái cổ thụ trên 200 năm tuổi. Dự lễ đón bằng công nhận Cây Di sản có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Thoại Sơn cùng đông đảo người dân đia phương. PGS. TS Nguyễn Văn Công, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường thành phố Cần Thơ tới dự và thay mặt Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao bằng công nhận Cây Di sản cho chính quyền địa phương.
PGS. TS Nguyễn Văn Công (bên trái) thay mặt Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao Bằng công nhận Cây Di sản cho chính quyền địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Văn Công bày tỏ xúc động khi được thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam về dự và trao “Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam” cho cây Dầu rái hơn 200 năm tại Đình Thoại Ngọc Hầu vào đúng dịp cả nước đang có nhiều hoạt động tri ân, hướng tới Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7). Đồng thời ông cũng cho rằng việc tổ chức Lễ Đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây Dầu rái trong khuôn viên ngôi Đình cổ thờ danh nhân Thoại Ngọc Hầu không chỉ là sự kiện quan trọng của tỉnh An Giang, mà còn là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc đối với công tác bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường.
Bảng Cây Di sản Việt Nam.
Theo PGS Công, qua hoạt động Bảo tồn Cây Di sản, chúng ta thể hiện sự trân quý và biết ơn đối với các bậc tiền nhân. Những thế hệ trước đã trồng và nối tiếp nhau bảo vệ, để hôm nay chúng ta có được những Cây quý báu này. Và chúng ta có nghĩa vụ phải giữ gin bền vững cho hậu thế. Vinh danh Cây Dầu rái ở Đình Thoại Ngọc Hầu là Cây Di sản Việt Nam, chúng ta còn góp phần quảng bá cho du lịch, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử, văn hoá và sức mạnh đại đoàn kết của các dân tộc của Việt Nam. “Chúng ta đều biết, dưới gốc cây này, hàng trăm năm qua, vẫn còn lưu giữ những dấu chân của những người đi mở đất, đi khẩn hoang lập ấp và cả những con người đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất này”, PGS Công nhấn mạnh.
Gốc cây dầu rái cổ thụ. Ảnh: B. Kỳ
Theo quan sát, cây dầu rái cổ thụ trên 200 năm tuổi tại khuân viên đình Thoại Ngọc Hầu (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, Anh Giang) có chiều cao khoảng 30m hoành gốc khoảng 9m, hoành thân khoảng trên 6m, thế cây thẳng đứng và đang phát triển tốt.
Theo người dân địa phương, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ, người dân vùng núi Sập - Thoại Sơn thường đến trú ngụ dưới các gốc cây cổ thụ. Khi ấy cây cối và cỏ mọc rậm rạp, những gốc sao, dầu rái cổ thụ cao lớn che phủ bảo vệ dân làng khỏi mưa bom, bão đạn. Hòa bình lập lại người dân trám các lỗ lấy dầu lại vì sợ cây chết. Do mọc trên địa hình đồi núi, có thời gian cây dầu hơn 2 thế kỷ bị khô dẫn đến nửa thân cây bị héo úa. Tuy nhiên, do được phát hiện và cứu chữa kịp thời nên cây đã đâm trồi, phát triển nhiều nhánh, ra lá non và xanh tốt trở lại. Cũng theo người dân địa phương, cây dầu rái này đã có từ trước khi thành lập đình Thoại Ngọc Hầu. Người dân cho rằng, đây là "nhân chứng" lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Thoại Sơn.
Phần ngọn cây dầu rái cổ thụ. Ảnh: B. Kỳ
Trước đó, theo đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên nhiên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Ngọc Sinh đã ký Quyết định công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây dầu rái cổ thụ tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Được biết, dầu rái là cây cổ thụ đầu tiên trên địa bàn huyện Thoại Sơn được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Sự kiện Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng và trực tiếp triển khai thực hiện từ năm 2010. Sau hơn 10 năm hoạt động, đến nay đã có gần 7.000 cây cổ thụ, quần thể cây cổ thụ ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước và ngoài hải đảo được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác bảo tồn nguồn gen quý nói riêng và giáo dục ý thức cộng đồng chung tay bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường nói chung, góp phần phát triển bền vững.
Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023-2028); Kỷ niệm 35 năm thành lập Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (28/11/1988 – 28/11/2023) và Kỷ niệm 13 năm sự kiện Cây Di sản Việt Nam (2010-2023), Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường dự kiến tổ chức buổi lễ gặp mặt, giao lưu chia sẻ về chặng đường 13 năm bảo tồn, vinh danh Cây Di sản Việt Nam. Chương trình dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 11/2023 (trước Đại hội VIII một ngày) và có sự tham gia của đại diện các địa phương (nơi có nhiều cây cổ thụ được công nhận Di sản Việt Nam).
PHẠM DUNG
Bình luận