Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ hai, 14/02/2022 17:02
TMO - Đập thủy lợi Rào Nan là công trình tiêu biểu cho sức mạnh đoàn kết của quân dân đất lửa Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ. Trải qua hơn nửa thế kỷ, công trình được nâng cấp, xây dựng bằng công nghệ hiện đại, tiếp tục sứ mệnh trong hành trình đổi mới cuộc sống của người dân vùng Nam Ba Đồn.
Những năm 60 của thế kỷ trước, tại vùng Nam Quảng Trạch (nay là Thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) nước mặn từ biển dâng lên theo thủy triều, mỗi năm chỉ đủ nước ngọt để canh tác lúa 1 vụ. Thời điểm đó, nước ngọt là niềm mong mỏi của nhiều thế hệ cư dân vùng Nam từ thuở lập làng, lập xã và càng trở nên bức thiết hơn trong khí thế toàn miền Bắc sục sôi thi đua sản xuất chi viện cho chiến trường miền Nam.
Đập thủy lợi Rào Nan những năm 60 của thế kỷ trước được coi là "đại thủy nông" giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân
Cuối năm 1967, Tỉnh ủy Quảng Bình họp bàn về vấn đề tự túc lương thực và ý kiến xây đập thủy lợi Rào Nan để cấp nước sản xuất cho vùng Nam Quảng Trạch, nhận được nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít phản đối. Bởi để làm được con đập ngăn sông trong điều kiện trên bom, dưới đạn là điều không tưởng.
Cũng trong giai đoạn này, đoàn chuyên gia của các nước khối xã hội chủ nghĩa đã qua khảo sát và quyết định làm đập thủy lợi kiêm thủy điện ở khu vực Đồng Đâu, cách vị trí đập Rào Nan hiện nay khoảng 10km. Tuy nhiên, để làm được công trình này cần thời gian khảo sát, thi công dài hơi trong khi nhu cầu rất cấp bách. Người kiên trì ủng hộ kế hoạch xây đập Rào Nan lúc đó là ông Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình.
Nhân dân vùng Nam, không kể già trẻ, hăng hái chuyển đá đắp đập, tất cả đều bằng sức người. Ngoài dân công chủ lực, kể cả học sinh, người già khi rảnh đều tham gia vận chuyển vật liệu đắp đập. Các xã vùng dưới thì dùng thuyền chở lên. Máy bay vào thì xuống hầm ẩn nấp, xong lại làm tiếp.
Đến cuối năm 1969, “đại thủy nông” Rào Nan dần dần hoàn thiện, thành công ngăn dòng nước mặn từ biển lên trong niềm vui của hàng vạn cư dân vùng Nam. Nhưng phải đến những năm 1972, hệ thống kênh mương hoàn thành, nước tưới mới bắt đầu phủ khắp các xã vùng Nam. “Đại thủy nông” Rào Nan hoàn thành trở thành nguồn cung cấp nước tưới cho hàng nghìn ha ruộng lúa, góp phần nuôi nấng, chở che, hun đúc cho các thế hệ con em vùng Nam Ba Đồn với khát vọng vươn lên nửa thế kỷ nay.
Giai đoạn đập Rào Nan hoàn thành, theo như nhiều người dân ở khu vực Quảng Sơn, Quảng Minh kể lại, cường độ máy bay Mỹ ném bom khu vực này nhiều hơn những năm trước đó. Năm 1973, xã Quảng Sơn bị B52 rải thảm, thế nhưng con đập vẫn hiên ngang giữa dòng Rào Nan và phát huy giá trị của mình suốt 5 thập kỷ sau đó.
Dự án đập thủy lợi Rào Nan mới
Cuối tháng 12-2019, dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan được triển khai khởi công để đáp ứng các nhu cầu phát triển của thời cuộc. Đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Quảng Bình. Việc đầu tư, nâng cấp đập thủy lợi Rào Nan góp phần đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho 22 xã ở hạ lưu sông Gianh thuộc thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch.
Ngoài ra, công trình còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, an toàn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất tập trung, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích canh tác; đặc biệt, dự án cũng có công năng điều tiết lũ...
Hoài Dương
Bình luận