Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ ba, 25/01/2022 15:01
TMO - Những năm qua, cùng với duy trì ổn định phát triển chăn nuôi trên địa bàn, các ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong lĩnh vực này.
Năm 2021, đàn gia súc, gia cầm nuôi trên địa bàn toàn tỉnh đều tăng so với năm 2020 với gần 69.000 con trâu, 307.300 con lợn, hơn 4 triệu con gia cầm. Chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi ước tính 650 tấn/ngày đêm, chưa kể lượng nước tiểu gia súc.
Với lượng rác thải phát sinh ngày càng tăng, tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi; mới nhất là Quyết định số 01/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Ngành chăn nuôi Quảng Ninh chú trọng đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh, nâng cao chất lượng đầu ra
Theo đó, mật độ chăn nuôi của tỉnh đến năm 2030 tối đa không vượt quá 1,8 đơn vị vật nuôi/ha đất nông nghiệp. Các địa phương triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường cho các hộ chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm. Tăng cường vận động các hộ dân đầu tư xây dựng hầm bioga để xử lý chất thải trong chăn nuôi. Thực hiện hỗ trợ người dân di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở. Đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ người dân xây dựng, lắp đặt 1.928 công trình biogas.
Bên cạnh đó, các địa phương tích cực chuyển dịch chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại. Duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Tiến tới chuyển dịch chăn nuôi tập trung trang trại từ vùng có mật độ dân số cao đến những vùng có mật độ dân số thấp, hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm tại các xã, huyện phù hợp với quy hoạch.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 240 trang trại chăn nuôi các loại; trong đó có 28 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung: Vùng chăn nuôi lợn tại TP Móng Cái; vùng chăn nuôi gà huyện Tiên Yên; các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung ở một số địa phương khác.
Các cơ sở hướng tới chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGap, hình thành các vùng chuyên canh tập trung
Công tác vệ sinh tiêu trùng chuồng trại được các xã, phường chú trọng. Năm 2021, các địa phương cấp phát hơn 20.000 lít hóa chất, 50.000kg vôi bột để vệ sinh tiêu trùng khử độc tại các chợ buôn bán động vật, khi chôn lấp, xử lý, tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh, khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật; tiêu trùng khử độc tại gần 40.000 lượt hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường chăn nuôi, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 100% các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi phải có giải pháp kiểm soát môi trường phù hợp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải cho nhu cầu trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất năng lượng tái tạo.
Ngọc Linh
Bình luận