Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ năm, 05/10/2023 08:10
TMO - Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu các chủ nhà máy thuỷ điện chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong mùa mưa bão năm 2023.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có 13 nhà máy thuỷ điện đang vận hành khai thác, với tổng công suất hơn 459 MW. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh chịu tác động từ 3-4 cơn bão và 10-12 trận mưa, mưa lớn. Trong đó, thiên tai bão lụt tập trung từ cuối tháng 9/2023 và kéo dài đến đầu năm 2024. Các công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi chịu tác động của sóng biển, vùng cửa sông, đầm phá luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và thiệt hại trong mùa mưa lũ.Các ngành chức năng của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành kiểm tra thực tế và yêu cầu các chủ nhà máy thuỷ điện chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong mùa mưa bão năm 2023.
Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh, nhìn chung các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác quản lý vận hành an toàn điện, quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa. Các công trình này đã được cơ quan chức năng phê duyệt phương án ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp, phương án bảo vệ đập, hồ chứa năm 2023… Tuy nhiên, các ngành chức năng của tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng yêu cầu cụ thể đối với từng nhà máy thuỷ điện để đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa lũ.
Thừa Thiên - Huế yêu cầu các chủ nhà máy thuỷ điện chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm nay.
Đối với Nhà máy Thuỷ điện Rào Trăng 3, Công ty cổ phần thuỷ điện Rào Trăng 3 cần khẩn trương lắp đặt còi hụ cảnh báo xả lũ tại đập tràn, lắp đặt còi hụ cảnh báo khi vận hành phát điện tại hạ lưu nhà máy và kênh xả, lắp đặt lan can bảo vệ tại khu vực cửa nhận nước và hạ lưu nhà máy, kênh xả, đảm bảo an toàn cho công nhân vận hành và ứng phó thiên tai. Đây là yêu cầu mà cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu chủ đầu tư thực hiện trong năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Đường công vụ trong khu vực nhà máy thuỷ điện có mái taluy với độ dốc lớn nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão rất cao, Công ty phải thường xuyên kiểm tra, quan trắc để có phương án gia cố, khắc phục kịp thời, di chuyển người lao động đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và công trình.
Nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3 có thượng lưu là hạ lưu của Nhà máy thuỷ điện A Lin B1, A Lin B2 và hạ lưu là lòng hồ thủy điện Rào Trăng 4, vì vậy chủ nhà máy thuỷ điện phải phối hợp vận hành, chia sẻ thông tin về quan trắc thủy văn với các đơn vị nhằm đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả vận hành.
Đối với Nhà máy thủy điện Thượng Nhật (thuộc Công ty cổ phần đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam) hiện có hiện tượng tiết vôi một số điểm tại thân đập và hiện tượng thấm phía vai trái đập, đề nghị chủ đập tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn quan trắc, đánh giá theo dõi để có phương án xử lý, đảm bảo an toàn đập. Chủ đầu tư nhà máy thuỷ điện cần khắc phục việc kết nối tín hiệu máy ICom HF, camera với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Khu vực đồi núi phía sau nhà quản lý vận hành do người dân làm đường khai thác rừng trồng, nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão là rất cao, công ty phải thường xuyên tổ chức theo dõi, quan trắc, rà soát để phát hiện các hiện tượng bất thường chủ động sơ tán cán bộ nhân viên đến nơi an toàn. Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam phải phối hợp với chính quyền địa phương sớm lắp đặt các biển báo cấm người không có nhiệm vụ hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình, tuyệt đối không để xảy ra đuối nước trong phạm vi công trình. Ngoài ra, Công ty cần tập trung xử lý các vấn đề vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng tại dự án thủy điện Thượng Nhật.
Liên quan đến tuyến đường 71 kết nối huyện Phong Điền lên huyện A Lưới phục vụ vận hành hệ thống thủy điện bậc thang gồm A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 đã xuống cấp, tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các chủ nhà máy thuỷ điện trên tổ chức san gạt, sửa chữa tạm thời, phát quang hành lang tuyến đảm bảo giao thông và công tác ứng cứu khi có tình huống bất thường xảy ra…
Các nhà máy thuỷ điện cũng đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, có kế hoạch đầu tư, lắp đặt bổ sung sóng thông tin di động nhằm phúc vụ tốt hơn về ứng phó thiên tai cho công trình và nhu cầu sử dụng ngày càng cao của nhà máy và người dân khu vực công trình thủy điện A Roàng, Sông Bồ và khu vực lòng hồ thủy điện Bình Điền.
Đỗ Nam
Bình luận