Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 15:11
Thứ tư, 09/10/2024 07:10
TMO - Các công trình hồ chứa đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, thoát lũ, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, quy trình vận hành liên hồ chứa cần thực hiện tốt hơn nữa nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn các hồ chứa trong mùa mưa bão.
Hiện nay, nước ta có khoảng 6.500 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích 11 tỷ mét khối, trong đó có khoảng 560 hồ chứa lớn dung tích trên 3 triệu mét khối. Hệ thống hồ chứa nước ở nước ta trải dài từ bắc vào nam, có thể sử dụng trong tưới tiêu, nông nghiệp, nuôi trồng khai thác thủy sản, khai thác thủy điện, phát triển du lịch..., ngoài ra các hồ chứa còn giữ vị trí quan trọng trong việc điều hòa sinh thái, bảo vệ môi trường sống của con người.
Những năm qua, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường và khó dự đoán, vai trò của những hồ chứa nước càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, do việc sử dụng nước ngày một gia tăng của các quốc gia thượng nguồn trong lưu vực cho nên có sự mất cân bằng lượng nước giữa hai mùa mưa và khô dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng tài nguyên nước về lượng và chất về mùa khô, nhưng lượng nước lại tăng cao trong mùa mưa lũ, có thể gây thiệt hại rất lớn.
Trước diễn biến thời tiết ngày càng bất thường, gây đe dọa về an toàn cho cuộc sống người dân, trong đó có vấn đề đảm bảo an toàn trong vận hành hồ chứa nước, Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông lớn, quan trọng gồm sông: Hồng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thành, Sê San, Srepok và Đồng Nai.
Khoảng 134 hồ chứa, đập dâng trên 11 lưu vực sông đã được điều tiết, vận hành theo cơ chế liên hồ với nguyên tắc ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn công trình, cắt, giảm lũ cho hạ du trong mùa lũ, ưu tiên duy trì dòng chảy tối thiểu, cấp nước hạ du phục vụ hoạt động sản xuất và dân sinh trong mùa cạn.
Kể từ khi 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa được ban hành, ngoài việc thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo đơn vị có chức năng xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu vận hành hồ, thực hiện theo dõi, giám sát thường xuyên, liên tục việc vận hành của các hồ chứa để kịp thời đôn đốc, hướng dẫn các chủ hồ thực hiện nghiêm túc việc vận hành theo quy trình. Ðồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời đến các địa phương, các chủ hồ; đôn đốc việc nghiêm túc thực hiện các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa.
Ðể giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra liên quan đến hồ chứa trong mùa thiên tai, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có nhiều giải pháp cụ thể như: Trong mùa lũ, với việc vận hành theo 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông lớn, quan trọng trong các năm qua, các hồ chứa đã tham gia cắt, giảm lũ đáng kể cho hạ du. Các quy trình, quy định trong mùa lũ các hồ chứa lớn phải dành một dung tích cố định để tham gia cắt, giảm lũ cho hạ du, mặc dù nhiều hồ khi thiết kế, xây dựng không có nhiệm vụ này.
Việc đảm bảo vận hành an toàn các hồ chứa trong mùa mưa, bão là nhiệm vụ quan trọng cần được chú trọng triển khai.
Nhằm chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa, lũ gây ra, đặc biệt là sau những bài học từ bão số 3 đến an toàn, đời sống, sản xuất, tài sản của nhân dân ở các địa phương trên lưu vực sông Hồng-Thái Bình, Cục Quản lý tài nguyên nước đề nghị các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa trên các lưu vực sông: Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn và Trà Khúc khẩn trương tổ chức, thực hiện việc theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn, thực hiện chế độ quan trắc, dự báo, cung cấp thông tin, số liệu và chế độ báo cáo theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa; tuân thủ nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và lệnh vận hành hồ của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Khi xuất hiện các tình huống bất thường, tình huống mưa, lũ vượt tần suất thiết kế thì phải đề xuất phương án vận hành hồ chứa và báo cáo ngay tới cơ quan có thẩm quyền theo quy định để xem xét, quyết định việc vận hành bảo đảm an toàn công trình, vận hành ứng phó các tình huống khẩn cấp; tăng cường thực hiện việc thông báo, cảnh báo sớm cho chính quyền địa phương các cấp, nhân dân vùng thượng, hạ lưu trước khi vận hành xả lũ qua tràn, xả lũ khẩn cấp hoặc các trường hợp gia tăng đột ngột lưu lượng xả về hạ du.
Phối hợp chặt chẽ với Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia và các Trung tâm điều độ hệ thống điện trong việc thực hiện huy động hiệu quả nguồn điện của các nhà máy thủy điện phù hợp với yêu cầu về vận hành giảm lũ cho hạ du, bảo đảm sử dụng nguồn nước an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu.
Các hồ chứa phía thượng và hạ lưu phải thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin vận hành, kết quả dự bảo lưu lượng, mực nước hồ và các phương án điều tiết vận hành để bảo đảm công tác phối hợp, vận hành điều tiết cắt, giảm lũ (trường hợp xảy ra mưa lũ) được thực hiện hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhân dân vùng hạ du.
Đồng thời, thực hiện việc cung cấp thường xuyên, kịp thời số liệu vận hành hồ chứa tối thiểu 01 giờ/lần (khi có dự báo, cảnh báo bão khẩn cấp, áp thấp nhiệt đới gần bờ hoặc các hình thế thời tiết khác gây mưa lũ) lên Hệ thống quản lý dữ liệu vận hành hồ của Cục Quản lý tài nguyên nước phục vụ công tác theo dõi, giám sát và dự báo, cảnh báo mưa lũ trên các lưu vực sông.
Ngoài ra, để đảm bảo phục vụ công tác dự báo khí tượng thủy văn trên các lưu vực sông, đề nghị các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa cung cấp ngay các bản tin dự báo và số liệu quan trắc, tính toán theo quy định của các Quy trình vận hành liên hồ chứa về Tổng cục Khí tượng Thủy văn qua địa chỉ hòm thư điện tử: [email protected].
Phương Hà
Bình luận