Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 05:01
Thứ bảy, 16/09/2023 12:09
TMO - Đưa nước sạch đến người dân vùng nông thôn là mục tiêu quan trọng mà tỉnh Tây Ninh thực hiện trong nhiều năm qua, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 75 công trình cấp nước tập trung nông thôn và 1 công trình cấp nước nhỏ lẻ. Trong đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đang quản lý vận hành 70 công trình cấp nước nông thôn tập trung. Đa số công trình cấp nước tập trung nông thôn có công nghệ xử lý nước đơn giản, quy mô nhỏ, công suất thiết kế từ 50 đến 500 m3/ngày.đêm, cấp nước cho khu vực dân cư tập trung từ 50-500 hộ dân. Tính đến tháng 6 năm 2023, khu vực nông thôn có tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đảm bảo quy chuẩn đạt tỷ lệ 68% (147.392/216.753 hộ).
Tỉnh Tây Ninh triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, đối với công trình cấp nước tập trung: số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn tăng 3.340 hộ so với cuối năm 2022, lũy kế số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung đạt 30.306 hộ, trong đó: 24.714 hộ từ công trình cấp nước tập trung nông thôn và 5.592 hộ từ các nhà máy của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh.
Về cấp nước quy mô hộ gia đình: Trên địa bàn tỉnh có 186.447 hộ gia đình sử dụng nước từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình, trong đó: 179.995 hộ gia đình sử dụng nước từ giếng khoan và 6.452 hộ được hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình trong giai đoạn 2018-2020 theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 21/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020.
Mặc dù nước sạch đã được bao phủ rộng khắp các vùng nông thôn, nhưng nhìn chung số hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là do các công trình cấp nước được đầu tư xây dựng từ năm 2000, đến nay một số hạng mục công trình, thiết bị đã xuống cấp dẫn đến tình trạng thất thoát, thất thu nước sạch; áp lực nước, chất lượng nước không đảm bảo.
Hiện tại Trung tâm thu tiền nước của người dân theo Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND với giá 5.500đ/m3 tương đương 42% so với giá thành sản xuất nước thương phẩm tính đúng, tính đủ. Chưa được ngân sách hỗ trợ phần chênh lệch giá, dẫn đến đơn vị gặp khó về kinh phí để thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, mở rộng tuyến ống đấu nối cho người dân. Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu đạt tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch là 72%; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước hợp vệ sinh là 100%; tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn là 50%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân là 15%.
Nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng hành cùng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tây Ninh (Sở NN&PTNT Tây Ninh) đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đưa nước sạch đến với người dân vùng nông thôn, từng bước nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch tại khu vực nông thôn.
Để đạt được mục tiêu đề ra, cũng như khắc phục những khó khăn trong quản lý, vận hành các công trình nước sạch nông thôn, từ nay đến cuối năm 2023, Trung tâm sẽ tập trung nâng cao chất lượng, an toàn đối với các công trình cấp nước hiện có trên địa bàn; đảm bảo trên 95% các công trình cấp nước đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt; thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành khai thác và duy tu bảo dưỡng các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh. Rà soát, kiểm tra các công trình cấp nước để ưu tiên nâng cấp, sửa chữa nhằm hạn chế việc thiếu nước, đảm bảo cung cấp kịp thời nguồn nước phục vụ người dân.
Tỉnh Tây Ninh hướng đến mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân số được tiếp cận với nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%; các xã nông thôn mới được cấp nước sạch theo quy chuẩn đạt 72%.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân tham gia sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Tiếp nhận và đưa vào vận hành hệ thống cấp nước khu đô thị Mộc Bài, lên phương án trình cấp có thẩm quyền xem xét phân duyệt kết nối mạng lưới vùng cấp nước khu vực huyện Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, nhất là quản lý mạng lưới cấp nước trên cơ sở ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS vào hoạt động. Đối với vấn đề giá nước, hiện nay Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Tài chính đã xây dựng hoàn chỉnh phương án giá nước sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính trình UBND tỉnh xem xét ban hành.
Đồng thời tham mưu Sở NN&PTNT hoàn chỉnh hồ sơ Đề nghị xây dựng Nghị quyết về chính sách hỗ trợ giá nước sạch sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, góp phần bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước, khuyến khích hộ dân khu vực nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung.
Năm 2023, tỉnh Tây Ninh phấn đấu đạt các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới đối với huyện Bến Cầu. Ngoài ra sẽ duy trì 61/71 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; 17 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tất cả các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2010 - 2021 tiếp tục thực hiện nâng chất lượng tiêu chí, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Tăng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung, góp phần thực hiện tốt tiêu chí 17.1 thuộc bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; tiêu chí 18.1; 18.2 và 18.3 thuộc bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số được tiếp cận với nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%; các xã nông thôn mới được cấp nước sạch theo quy chuẩn đạt 72%.
PV
Bình luận