Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 14:11
Thứ ba, 09/04/2024 13:04
TMO - Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Sơn La đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Nhiều công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, giúp đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân vùng dân tộc thiểu số là một trong những chính sách được triển khai thực hiện hiệu quả ở nhiều địa phương, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi. Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đặt mục tiêu góp phần đạt 90% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Thực hiện dự án, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán (ưu tiên hỗ trợ để mua sắm trang bị hoặc xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình); hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung: Đầu tư xây dựng công trình nước tập trung theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (ưu tiên cho người dân vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao chưa có nguồn nước hoặc thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh).
Thời gian qua, được sự quan tâm triển khai dự án của Trung ương và địa phương, nhiều công trình nước sạch đã được đầu tư xây mới và sửa chữa đưa vào sử dụng, cùng với đó người dân cũng được hỗ trợ mua sắm các téc nước, xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt. Qua đó, đã góp phần đưa những dòng nước mát lành đến với người dân các thôn, làng vùng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Sơn La là tỉnh miền núi, 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó chủ yếu là người dân tộc Thái (chiếm hơn 50%). Ở những vùng sâu, vùng xa, đời sống của bà con DTTS còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó có vấn đề nước sinh hoạt. Tại các vùng khó khăn, đồng bào chủ yếu sử dụng nguồn nước dẫn từ suối, ao hồ, khe núi, giếng đào và nước mưa, chất lượng nước không được đảm bảo. Bên cạnh đó, do phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên nguồn nước của bà con không ổn định. Về mùa khô, lượng mưa ít nên các dòng chảy thường xuyên cạn nước, người dân thiếu nước sinh hoạt.
Hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân vùng dân tộc thiểu số là một trong những chính sách được đẩy mạnh triển khai tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình MTQG 1719, tỉnh Sơn La đã giải ngân thanh toán 38,890 tỷ đồng đầu tư xây dựng hàng trăm công trình nước sinh hoạt tập trung và hàng nghìn thiết bị nước sinh hoạt phân tán cho đồng bào các DTTS trên địa bàn, góp phần nâng tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên gần 95%.
Trong giai đoạn 2021-2023, huyện Sốp Cộp được giao hơn 120 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG 1719. Đến hết tháng 11/2023, huyện hỗ trợ cho 44 hộ mua téc, bồn chứa nước; đầu tư xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung; bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Pu Hao, xã Mường Lạn. Hỗ trợ hơn 34,1 tỷ đồng khoán bảo vệ rừng đặc rụng, rừng phòng hộ. Gần 13 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh...
Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện luôn thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng, đúng quy định của nhà nước. Nhất là Dự án giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, góp phần nâng tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh toàn huyện lên 95%; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số của huyện ngày càng được cải thiện. Còn tại huyện Phù Yên, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện đã đầu tư thiết bị nước sinh hoạt phân tán cho 425 hộ; đầu tư 4 công trình nước sinh hoạt tập trung, cấp nước cho trên 1.000 hộ dân tại các bản Bãi Vàng, xã Đá Đỏ; Đồng Mã, xã Tân Phong; Thượng Lang, xã Mường Lang và Khe Lành, xã Mường Thải.
Nhiều công trình nước sạch đã được đầu tư xây mới và sửa chữa đưa vào sử dụng, cùng với đó người dân cũng được hỗ trợ mua sắm các téc nước...
Triển khai dự án giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Thuận Châu chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các xã, bản, rà soát, đánh giá các công trình cấp nước trên địa bàn để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp. Lồng ghép các nguồn vốn được giao, huy động sự đóng góp của các tổ chức và người dân để thực hiện hiệu quả Chương trình; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án theo kế hoạch.
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, đến nay, huyện đã đầu tư gần 12 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 5 công trình nước sinh hoạt tập trung ở các bản thuộc xã Bản Lầm, Chiềng Bôm, Bon Phặng, Chiềng Pha; cấp phát 525 bồn chứa nước cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn về nước sinh hoạt, tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Đến hết tháng 12/2023 100% số hộ nông thôn của huyện được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện ngày càng cải thiện rõ rệt.
UBND huyện Thuận Châu chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với các xã, bản tiếp tục rà soát, đánh giá các công trình cấp nước tập trung, kịp thời đầu tư, nâng cấp, sửa chữa. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, khả năng thực hiện chương trình của các ngành, UBND các xã, thị trấn, các chủ đầu tư. Tăng cường kiểm tra, giám sát; kịp thời tham mưu, giải quyết những khó khăn vướng mắc, giải pháp thực hiện đạt kết quả. Đôn đốc các đơn vị được giao làm chủ đầu tư khẩn trương triển khai xây dựng, sửa chữa các công trình cấp nước đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Thời gian tới, Ban tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá các công trình cấp nước, tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình cấp nước cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động làm thay đổi nhận thức, hành vi liên quan đến việc bảo vệ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch và các công trình cấp nước ở từng khu vực, phấn đấu đến năm 2025, có 98,02% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Với việc tập trung thực hiện Dự án giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, đã góp phần đảm bảo cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hồng Hạnh
Bình luận