Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ bảy, 28/10/2023 07:10
TMO - Giải quyết nước sinh hoạt cho vùng miền núi nói chung, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng là vấn đề mà Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm trong suốt thời gian qua. Thời gian qua, nhiều địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân tại khu vực trên.
Nước là nhu cầu tất yếu của cuộc sống nhưng nước sạch lại là yếu tốt quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện đời sống hàng ngày của mỗi con người, đặc biệt là với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ở vùng sau vùng xa khi mà tình trạng phá rừng có chiều hướng gia tăng khiến các con suối cạn kiệt ngay cả trong mùa mưa thì nguy cơ thiếu nước sạch sử dụng ngày càng hiện hữu rõ nhất.
Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đặt mục tiêu góp phần đạt 90% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Thực hiện dự án, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán (ưu tiên hỗ trợ để mua sắm trang bị hoặc xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình); hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung: Đầu tư xây dựng công trình nước tập trung theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (ưu tiên cho người dân vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao chưa có nguồn nước hoặc thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh).
Với sự quan tâm triển khai dự án của Trung ương và địa phương, nhiều công trình nước sạch đã được đầu tư xây mới và sửa chữa đưa vào sử dụng, cùng với đó người dân cũng được hỗ trợ mua sắm các téc nước, xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt. Qua đó, đã góp phần đưa những dòng nước mát lành đến với người dân các thôn, làng vùng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Giai đoạn 2021 đến 2025, tỉnh Sơn La đã và đang triển khai xây dựng 72 công trình hỗ trợ nước sinh hoạt cho khoảng 15.000 hộ dân, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong tiểu Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 2021 đến 2025, tỉnh Sơn La đã và đang triển khai xây dựng 72 công trình hỗ trợ nước sinh hoạt cho khoảng 15.000 hộ dân. Hiện nay đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành 62 công trình nước sinh hoạt, giải quyết tình trạng thiếu nước cho gần 5.000 hộ dân trên địa bàn. Qua đó, đã góp phần đưa những dòng nước mát lành đến với người dân các bản, làng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đến nay tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của tỉnh Sơn La đã đạt trên 94%.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) được đầu tư xây dựng 4 công trình nước sinh hoạt tập trung, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho trên 1.600 hộ của các xã Phiêng Cằm, Chiềng Chăn, Chiềng Mai, Chiềng Lương; đầu tư công trình nước sinh hoạt phân tán cho 63 hộ thuộc các xã Chiềng Mai, Chiềng Dong, Chiềng Kheo, Nà Ớt, Phiêng Cằm, Chiềng Nơi. Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được triển khai, thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng, đúng quy định của nhà nước. Dự án đã giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, góp phần nâng tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh toàn huyện lên 98%; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt.
Thời gian qua, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) đã triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán (thuộc Dự án 1, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - DTTS&MN). Qua đó, bà con được tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh và nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo thống kê, giai đoạn 2021-2023, phòng Dân tộc huyện Định Hoá đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các xóm tiến hành cấp téc chứa nước cho các hộ nghèo, cận nghèo, là người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Cụ thể, toàn huyện có 934 hộ, thuộc 23 xã, thị trấn đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán của Dự án 1, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Trong đó, 881 hộ được hỗ trợ téc nước, 36 hộ được hỗ trợ đào giếng, 15 hộ được hỗ trợ đường ống dẫn nước, 2 hộ được hỗ trợ xây dựng bể chứa nước. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ là 15,7 tỷ đồng.
Tại huyện Phú Lương (Thái Nguyên) năm 2023 Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các xóm tiến hành cấp téc chứa nước cho các hộ nghèo là người dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện. Cụ thể, toàn huyện có 377 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, thuộc 12 xã được hỗ trợ téc chứa nước. Tổng số tiền thực hiện hỗ trợ là 1,13 tỷ đồng. Trong đó, Yên Trạch - xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Lương có số hộ được hỗ trợ nhiều nhất, với 77 hộ. Tiếp đến là xã Ôn Lương có 57 hộ, xã Phủ Lý có 55 hộ, xã Động Đạt có 52 hộ được hỗ trợ. 8 xã còn lại có từ 7 đến 33 hộ được hỗ trợ téc nước.
Hỗ trợ các công trình nước sạch phân tán cho hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số là chính sách hết sức cần thiết, phù hợp với thực tế tại địa phương trong điều kiện vẫn còn một bộ phận người dân chưa được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh. Thông qua chính sách này góp phần đảm bảo sức khỏe cho đồng bào, nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh tại khu vực nông thôn, miền núi...
Các địa phương triển khai nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ tiếp cận nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cùng với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, hiện nay, các Bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực tập trung triển khai Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu tăng tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận với nước sạch một cách bền vững, đặc biệt là người dân tại các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang, ven biển, biên giới, hải đảo, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có 60% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung lên 51%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, triển khai Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025 thể hiện sự quyết tâm vào cuộc rất lớn của Đảng, Chính phủ với mong muốn tất cả người dân đặc biệt là người dân ở những vùng dân tộc miền núi, khó khăn sẽ được hưởng nhiều hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng các công trình kết nối, tạo nguồn, dẫn nguồn cấp nước sinh hoạt ổn định, kết hợp sử dụng nguồn nước từ các hệ thống công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu để xây dựng các công trình cấp nước tập trung cho các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, ngập lút, úng, ô nhiễm nguồn nước.
Nhà nước cũng đầu tư xây dựng các công trình cấp nước đặc thù cho các vùng khó khăn, khan hiếm về nguồn nước, vùng có địa hình, địa chất phức tạp đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang, ven biển, biên giới, hải đảo; Sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các công trình cấp nước hiện có đáp ứng yêu cầu chất lượng nước, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo ứng phó thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đồng thời Nhà nước thực hiện giao kế hoạch đầu tư, cung cấp dịch vụ cấp nước sạch nông thôn tại các vùng thuận lợi và đặt hàng, giao nhiệm vụ tại các vùng khó khăn, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đặc biệt, từ các nguồn vốn cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, nhiều công trình đưa nước sinh hoạt về cho người dân vùng khó khăn đã được thực hiện, đáp ứng được nhu cầu của nhiều người dân đồng bào thiểu số. Bà con cũng đã nhận thức rất rõ vai trò quan trọng của nước sạch; phối hợp với cơ quan chức năng bảo vệ nguồn nước.
Phương Hà
Bình luận