Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 11:11
Thứ ba, 22/08/2023 14:08
TMO – Các đơn vị chuyên môn cần chủ động rà soát, cân đối nguồn lực dự trữ quốc gia để kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch mua tăng nếu thấy cần thiết; đảm bảo mức tồn kho dự trữ quốc gia, đáp ứng chủ động sẵn sàng, ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống đột xuất cấp bách; không để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh.
Để đảm bảo có đủ nguồn lương thực dự trữ quốc gia (DTQG) nhằm chủ động sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống cho người dân; theo đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) đã chủ động rà soát, cân đối nguồn lực lương thực DTQG, đảm bảo duy trì mức tồn kho hợp lý, đáp ứng thực hiện các nhiệm vụ theo mục tiêu quy định của Luật Dự trữ quốc gia, chủ động, ứng phó nhanh, hiệu quả trong mọi tình huống đột xuất cấp bách, không để người dân thiếu lương thực thiếu gạo, khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước theo dõi sát diễn biến của thị trường, dự báo tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an ninh lương thực, nhu cầu xuất cấp của các địa phương để phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, kịp thời tham mưu trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung kế hoạch và dự toán năm 2023 để mua bổ sung lương thực dự trữ quốc gia nếu thấy cần thiết; đồng thời xây dựng kế hoạch mua lương thực năm 2024 với mức dự trữ phù hợp, đảm bảo nguồn lực dự trữ sẵn sàng thực hiện xuất cấp kịp thời theo quyết định của cấp có thẩm quyền và góp phần tham gia bình ổn thị trường khi cần thiết.
(Ảnh minh họa)
Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng tập trung cao độ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch lương thực DTQG năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao; bám sát và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trúng thầu, khẩn trương hoàn thành nhập kho dự trữ số lượng gạo theo hợp đồng đã ký kết; thực hiện công tác bảo quản, bảo vệ an toàn số lượng, chất lượng hàng DTQG; tạo mọi điều kiện cho các nhà thầu trong thực hiện hợp đồng gạo; điều hành linh hoạt việc nhập, xuất lương thực DTQG thuộc kế hoạch năm 2023 đúng thời điểm, phù hợp với tình hình thực tế, nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia.
Trong bối cảnh thị trường có biến động mạnh về lượng cung cầu và giá lương thực tại thời điểm đang tổ chức mua gạo nhập kho DTQG, ngày 18/8/2023, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực khẩn trương triển khai hoàn thành kế hoạch lương thực được giao năm 2023. Theo đó, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực và các đơn vị có liên quan chủ động thực hiện các giải pháp, khẩn trương hoàn thành nhập gạo theo hợp đồng đã ký; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền; theo dõi sát diễn biến thị trường lương thực và dự báo, đánh giá những tác động làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng mua gạo DTQG đã ký để chủ động có giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.
Đồng thời, yêu cầu các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trên địa bàn, nắm bắt nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ hàng DTQG; báo cáo, tham mưu cho Tổng cục trong chỉ đạo điều hành nhập, xuất, luân phiên đổi hàng DTQG phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia. Các đơn vị chuyên môn chủ động rà soát, cân đối nguồn lực DTQG để kịp thời tham mưu cho Tổng cục trình cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch mua tăng nếu thấy cần thiết; đảm bảo mức tồn kho DTQG, đáp ứng chủ động sẵn sàng, ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống đột xuất cấp bách; không để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh....
Trước đó, ngày 05/8, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 05/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Một trong những nội dung của Chỉ thị nêu rõ: Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Chính phủ giao, chủ động, kịp thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn giá, hỗ trợ người sản xuất lúa, xuất khẩu gạo và các thương nhân theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tính toán, cân đối việc dự trữ gạo phù hợp, hiệu quả, dứt khoát không được để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh.../.
LÝ LAN
Bình luận