Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ ba, 30/04/2024 07:04
TMO - Trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết nhất là nắng nóng gia tăng, công tác bảo đảm nguồn cung nước sạch trong năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt là cao điểm Hè gặp rất nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, nhu cầu sử dụng nước mùa Hè năm 2024 là 1.434.000m3/ngày, đêm, tăng 87.000m3/ngày, đêm. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch trong năm 2024, Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước rà soát nhu cầu, chuẩn bị các giải pháp điều tiết, duy trì, phát huy tối đa công suất nguồn cấp của các nhà máy nước hiện có, phối hợp điều tiết nguồn cấp giữa những đơn vị cấp nước.
Chất lượng nước sau xử lý phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt theo QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế… Tuy nhiên, do nguồn cung chưa bảo đảm nên tại một số thời điểm, nguồn cung cấp nước sạch tại Thủ đô dự kiến sẽ thiếu từ 50.000 - 70.000m3/ngày, đêm, tương đương với việc hàng chục ngàn người dân sẽ rơi vào cảnh thiếu nước…
UBND thành phố yêu cầu ngành chức năng, các đơn vị cung cấp nước sạch không để xảy ra mất nước kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân nhất là trong những tháng cao điểm nắng nóng.
Theo Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cung cấp nước sạch cho 16 quận, huyện trên địa bàn TP với trên 4 triệu dân cho biết, theo dự báo, nhu cầu sử dụng nước năm 2024 tại các địa bàn đơn vị được giao phụ trách tiếp tục tăng từ 2 - 4% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương mức 750.000 - 780.000m3/ngày, đêm, cao điểm những ngày nắng nóng có thể tăng đến 9%, lên mức 800.000m3/ngày, đêm.
Trong khi đó, các nguồn nước do đơn vị tự sản xuất giảm do ảnh hưởng của sụt giảm nguồn nước ngầm và chất lượng nước. Các nguồn nước cấp vào mạng khác như nước mặt sông Đà, sông Đuống khoảng 740.000m3/ngày, đêm; dự báo nguồn nước sẽ thiếu so với nhu cầu bình quân từ 10.000 - 40.000m3/ngày, đêm, cao điểm có thể thiếu tới 60.000m3/ngày, đêm. Tình trạng trên sẽ khiến một số khu vực tiếp tục xảy ra thiếu nước, thậm chí mất nước tại một số thời điểm nắng nóng như: khu vực ngoài đê An Dương, Phúc Xá, Hoàng Hoa Thám, Vĩnh Phúc (quận Ba Đình); khu vực Đê Quai, Âu Cơ, Tứ Liên, Quảng An (quận Tây Hồ); Nguyễn Khoái, cuối phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng)…
Công ty CP Viwaco, đơn vị cấp nước cho khoảng 150.000 khách hàng khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai nhận định, mùa Hè 2024 sẽ là năm khó khăn trong cấp nước sạch, dự kiến sản lượng nước sạch sẽ thiếu khoảng 10.000m3/ngày,đêm. Nguyên nhân do Nhà máy nước sông Đà không tăng sản lượng, nhưng phía đầu nguồn sản lượng đã chia sẻ cho các đơn vị cấp nước ở Hoài Đức, Quốc Oai… Bên cạnh đó, lượng nước sông Đuống bổ sung cũng bị san sẻ do Công ty Nước sạch Hà Đông lấy một phần nguồn nước này cấp cho Khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai) khiến việc cấp nước sạch Hè năm 2024 được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, khi các nguồn nước mặt không đủ cung ứng cho người dân Thủ đô thì buộc phải sử dụng các nguồn nước ngầm dự phòng. Hiện nay, các nhà máy nước ngầm đã thực hiện công tác giảm ngầm 200.000 m3/ngày, đêm so với thiết kế. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trong giai đoạn mùa Hè thì thành phố tiếp tục chỉ đạo khai thác nguồn nước dự phòng này với công suất khoảng 100.000 m3/ngày, đêm.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình trạng nắng nóng mùa hè năm 2024 sẽ rất phức tạp (nhiệt độ phổ biến cao hơn cùng kỳ các năm từ 1-1,5 độ C). Dự kiến nhu cầu sử dụng nước trung bình của cả nước, trong đó có Hà Nội, năm 2024 tăng khoảng 3,6% so với năm 2023, mùa hè tăng hơn 6,5% so với trung bình năm 2023. Thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè, nhu cầu sử dụng nước tăng cao so với nhu cầu trung bình (khoảng 5-10%), gây ra tình trạng thiếu nước cục bộ tại những khu vực cuối nguồn, cốt địa hình cao, khu vực chỉ có một nguồn cấp...
Các nhà máy, trạm cấp nước vận hành tối đa công suất đáp ứng với khả năng cao nhất về nhu cầu sử dụng nước của 100% hộ dân khu vực nội thành...
Để bảo đảm cung cấp nước sạch ổn định, an toàn và ứng phó với các tình huống thiếu nước cục bộ có thể xảy ra, UBND thành phố yêu cầu duy trì sản xuất, vận hành tối đa công suất các nhà máy nước, các trạm cấp nước, đáp ứng với khả năng cao nhất về nhu cầu sử dụng nước của 100% hộ dân khu vực nội thành và một số khu vực của các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Đan Phượng, Ba Vì, Phú Xuyên, Phúc Thọ... đã đầu tư hệ thống cấp nước tập trung của thành phố; duy trì tối đa lưu lượng, áp lực cho toàn bộ hệ thống với chất lượng nước đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ Y tế. Đồng thời, phân bổ điều tiết nguồn nước đảm bảo hài hòa giữa nguồn cấp và nhu cầu cũng như khả năng tiếp cận nguồn nước của từng khu vực, ưu tiên nguồn cấp cho khu vực chỉ có 1 nguồn cấp, không để xảy ra mất nước kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Đảm bảo duy trì sản xuất, cung cấp tổng công suất khoảng 1.434.985m3/ngđ - 1.611.600 m3/ngđ; Phối hợp điều tiết nguồn cấp trên toàn hệ thống đảm bảo ổn định; Lắp đặt trạm bơm cục bộ khi áp lực yếu; Triển khai các giải pháp cấp nước cục bộ bằng xe stec; Đảm bảo hệ thống mạng lưới vận hành ổn định, duy trì đủ áp lực cấp nước cho toàn bộ khách hàng hiện có; Sử dụng các thiết bị tân tiết phát hiện kịp thời và khắc phục những điểm rò rỉ, vỡ ống gây mất nước, thất thoát nước sạch,...
UBND Thành phố yêu cầu các công ty cấp nước thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy nước, thay thế bơm, thổi rửa giếng (hoặc công trình thu), nâng công suất để duy trì sản xuất, vận hành an toàn tối đa công suất các nhà máy nước, các trạm cấp nước đảm bảo tổng lượng nước sản xuất, cung cấp đạt khoảng 1.350.000 - 1.450.000m3/ngđ, phấn đấu đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng nước của nhân dân tại các khu vực có hệ thống cấp nước tập trung của Thành phố; thực hiện chế độ nội kiểm chất lượng nước theo QCVN 01-1:2018 của Bộ Y tế.
Đồng thời đầu tư nâng cấp cải tạo mạng lưới, khảo sát, đề xuất giải pháp lắp đặt bổ sung thiết bị nâng cấp các trạm cấp nước hiện có đảm bảo chất lượng nước theo tiêu chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế; Bố trí đủ xe stec phục vụ nhân dân trong trường hợp có sự cố mất nước; Thường xuyên tuần tra, kiểm tra, phát hiện và sẵn sàng, kịp thời sửa chữa khắc phục các sự cố rò rỉ, vỡ ống, nhằm cấp nước ổn định trong thời gian nhanh nhất.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đầu tư cải tạo mạng lưới cấp nước, giảm thất thoát thất thu nước sạch, ứng dụng công nghệ 4.0 về quản lý khách hàng; duy trì vận hành các trạm bơm tăng áp cục bộ, vận hành mạng lưới cấp nước hợp lý kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, ưu tiên sử dụng nước cho nhu cầu ăn, uống. Tập trung tháo gỡ khó khăn, huy động mọi nguồn lực thực hiện hoàn thành đúng tiến độ các dự án nguồn; các dự án phát triển mạng nhằm mở rộng cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn.
Ngoài ra, tăng cường kiểm soát chất lượng nước nguồn, nước sau xử lý, cập nhật về trung tâm quan trắc chất lượng nước của Sở Tài nguyên và Môi trường để quản lý, điều tiết, giám sát hệ thống cấp nước sạch; điều tiết nguồn cấp giữa các nhà máy nước tập trung trong trường hợp sự cố, nhu cầu sử dụng tăng cao, bảo đảm cấp nước an toàn.
Thu Hà
Bình luận