Hotline: 0941068156
Thứ ba, 11/02/2025 20:02
Thứ ba, 11/02/2025 06:02
TMO - Tháng Giêng hàng năm, ngay sau dịp Tết Nguyên đán, nhiều địa phương trên cả nước thường diễn ra các Lễ hội mùa Xuân. Đặc biệt, nhiều lễ hội có tổ chức các khu ẩm thực phục vụ du khách. Để lễ hội diễn ra văn minh, các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác bảo vệ, triển khai các phương án đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các địa bàn.
Đơn cử tại Quảng Ninh, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2025, phục vụ nhân dân đón Tết, vui xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, các lực lượng chức năng của tỉnh đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo đó, để kiểm soát chặt an toàn thực phẩm, ngay từ trước Tết Nguyên đán, toàn tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra về ATVSTP do Sở Y tế, Sở NN&PTNT và Sở Công Thương làm trưởng đoàn kiểm tra tại các địa phương. Lãnh đạo Sở Công Thương, cho biết: Để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm, nhất là mùa lễ hội Xuân, Sở đã tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và buôn bán tại các khu, điểm du lịch, khu vực diễn ra lễ hội.
Đồng thời, tăng cường việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức của người dân, chủ hộ kinh doanh trong việc buôn bán. Chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu thực phẩm để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và tạo sự an toàn từ nguồn cung. Đoàn sẽ tiếp tục triển khai việc kiểm tra, kiểm soát, lấy mẫu an toàn thực phẩm tại các địa phương như: Ba Chẽ, Cẩm Phả, Vân Đồn đến hết ngày 25/3/2025.
Cùng với các đoàn kiểm tra, các địa phương cũng đang tích cực triển khai việc tăng cường thanh kiểm tra thực hiện các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Trong đó, đẩy mạnh việc tăng tần suất kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ các lễ hội Xuân năm 2025 trên địa bàn.
Đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn, dịch vụ ăn uống tại lễ hội, cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các khu di tích lịch sử, khu du lịch, khu vực tổ chức lễ hội... Đồng thời, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cơ sở vi phạm, thu hồi và xử lý thực phẩm không an toàn theo quy định.
Với những thực phẩm không an toàn sẽ bị thu hồi và xử lý. (Ảnh minh hoạ).
Còn tại tỉnh Lào Cai, Lễ hội đền Thượng diễn ra từ ngày 10/2, trong đó có 45 gian hàng ẩm thực để phục vụ Nhân dân, du khách tham quan. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, những ngày này, đoàn liên ngành của thành phố, của phường Lào Cai (nơi diễn ra lễ hội) đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh trong khu vực đền Thượng. Lãnh đạo UBND phường Lào Cai cho biết, phường luôn xác định công tác đảm bảo an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ sức khỏe cho người dân vui hội.
Trong những ngày qua, phường và thành phố đã kiểm tra gần 50 cơ sở kinh doanh thực phẩm; tổ chức ký cam về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời sẽ xử lý nghiêm khi phát hiện cơ sở có hành vi vi phạm. Nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các lễ hội, toàn tỉnh Lào Cai đã thành lập 118 đoàn kiểm tra (2 đoàn liên ngành của tỉnh, 12 đoàn cấp huyện, thị xã, thành phố và 104 đoàn cấp xã), đã tổ chức kiểm tra 353 cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn, xét nghiệm nhanh 75 mẫu thực phẩm mới được chế biến…
Tại các địa phương, theo nhận định của Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Lào Cai, các cơ sở cơ bản chấp hành tốt việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đợt kiểm tra vừa qua, chỉ có 3 cơ sở tại các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà và Văn Bàn bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính với lỗi chưa tuân thủ quy định về thực hiện kiểm thực 3 bước, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Theo Lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai, dịp tết và lễ hội Xuân là thời điểm có nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao.
Do đó, Chi cục đã tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm soát cao điểm; tăng cường tuyên truyền các hộ kinh doanh, chế biến thực phẩm nâng cao ý thức trong sản xuất, kinh doanh để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Các đoàn kiểm tra liên ngành đã phối hợp thực hiện được 98 buổi tuyên truyền cho người kinh doanh toàn tỉnh với hơn 4.525 lượt người tham gia; phối hợp các xã tổ chức hơn 300 lượt phát thanh tuyên truyền cho người dân về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Trước đó, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 465 KH/UBND về việc đảm bảo an toàn thực phẩm dịp tết và lễ hội xuân 2025. Với mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp tết và lễ hội Xuân.
Lực lượng chức năng kiểm tra cửa hàng bán bánh kẹo trong Lễ hội Chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội).
Còn tại TP. Hà Nội, ngày 7/2, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn thực phẩm (ATTP) của Hà Nội đã kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức). Tại đây, Đoàn đã tiến hành kiểm tra một số nhà hàng tại khu vực bến Thiên Trù. Năm nay, các cơ sở kinh doanh ăn uống được sắp xếp quy củ hơn mọi năm.
Tại thời điểm kiểm tra, các nhà hàng đã tuân thủ quy định về bảo đảm ATTP; niêm yết công khai giá các mặt hàng thực phẩm. Qua xét nghiệm nhanh về tinh bột, có 13/20 bát, đĩa ăn đạt chuẩn. Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra lưu ý cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cần duy trì việc bảo quản thực phẩm tươi sống đúng quy định, có tủ chuyên dụng bảo quản, che đậy thực phẩm.
Lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra ATTP các cơ sơ kinh doanh dịch vụ ăn uống theo kế hoạch và đột xuất tại các lễ hội. Nếu phát hiện vi phạm đề nghị xử lý thật nghiêm, thậm chí có thể tạm dừng hoạt động cơ sở. Đại diện phòng Y tế huyện Mỹ Đức cho biết, tại Lễ hội chùa Hương năm nay có 97 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, đa dạng về các loại hình dịch vụ, mang tính chất thời vụ và nhỏ lẻ.
Trong đó, dịch vụ ăn uống 61 cơ sở; dịch vụ thức ăn ngay, thực phẩm chín 9 cơ sở; sản xuất 2 cơ sở; kinh doanh bánh kẹo 25 cơ sở. Huyện Mỹ Đức thành lập 3 đoàn kiểm tra, trong đó, 1 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện; 1 đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Tổ chức lễ hội; 1 đoàn kiểm tra tuyến xã. Tính đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP của huyện Mỹ Đức đã kiểm tra được 10/97 cơ sở. Kết quả, 1/10 cơ sở vi phạm hành chính; 1/10 cơ sở đề xuất xử lý vi phạm. Tổng số tiền xử lý vi phạm 4 triệu đồng.
Theo Luật An toàn thực phẩm, các cơ sở kinh doanh phải đảm bảo vệ sinh, có đủ nước sạch, trang thiết bị chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn. Nhân viên trực tiếp chế biến phải được tập huấn và không mắc các bệnh truyền nhiễm.
Nghị định 115/2018/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP, quy định mức xử phạt nghiêm khắc đối với vi phạm an toàn thực phẩm: Phạt từ 1-2 lần giá trị sản phẩm nếu sử dụng nguyên liệu quá hạn, không rõ nguồn gốc hoặc chưa kiểm dịch; Phạt 1-3 triệu đồng nếu thực phẩm bày bán trên dụng cụ không vệ sinh, thiếu dụng cụ bảo quản hoặc có côn trùng xâm nhập; Phạt 3-5 triệu đồng nếu không thực hiện kiểm thực 3 bước, không lưu mẫu thức ăn, thiết bị bảo quản không đạt chuẩn, không có nhà vệ sinh, nơi rửa tay, thu gom rác thải. Mức phạt áp dụng cho tổ chức vi phạm sẽ cao gấp đôi so với cá nhân…/.
Ngọc Trang
Bình luận