Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ bảy, 29/07/2023 12:07
TMO - Trước dự báo về tình hình thiên tai trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động các phương án sẵn sàng ứng phó với thiên tai, trong đó đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa bão năm nay.
Đập, hồ chứa thủy điện đóng vai trò quan trọng trong điều tiết, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Do đó, đảm bảo an toàn cho các công trình này là một trong những nhiệm vụ quan trọng và được ưu tiên hàng đầu. Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, lượng mưa từ tháng 7 đến tháng 9 ở khu vực miền núi phía Bắc sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm. Mùa mưa lũ năm 2022, lưu vực sông Hồng có thể xuất hiện sớm trong tháng 6; đặc biệt đỉnh lũ cũng cao hơn năm 2021. Trước tình hình đó, ngành NN&PTNT Hòa Bình tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, giải pháp điều tiết lượng nước trong hồ hợp lý, đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa bão.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 544 hồ chứa thủy lợi các loại, trong đó có 49 hồ lớn dung tích từ 3 - 10 triệu m3 hoặc chiều cao từ 15 m trở lên, 151 hồ đập loại vừa dung tích từ 0,5 - 3 triệu m khối hoặc chiều cao đập từ 10 - 15 m, 344 hồ đập loại nhỏ dung tích từ 0,05 - 0,5 triệu m khối hoặc chiều cao đập từ 5 - 10 m. Khảo sát thực tế của các địa phương ghi nhận có đến 134 hồ bị hư hỏng, xuống cấp cần được sửa chữa, 410 hồ còn lại hoạt động bình thường. Số lượng hồ đập hư hỏng, xuống cấp chiếm 24,6% tổng số hồ chứa toàn tỉnh, trong đó có 22 công trình đang được đầu tư sửa chữa (7 hồ đang thi công hoàn thiện các hạng mục; 15 hồ đang thực hiện các thủ tục nghiệm thu bàn giao). Số hồ chứa chảy tràn là 35/208 hồ chứa lớn và vừa.
Chi cục Thủy lợi phối hợp với các huyện rà soát toàn bộ hệ thống hồ chứa trên địa bàn tỉnh.
Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) tỉnh cho biết: Bước vào mùa mưa lũ năm 2023, Chi cục phối hợp với các huyện rà soát toàn bộ hệ thống hồ chứa trên địa bàn tỉnh. Phối hợp cùng Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình kiểm tra, rà soát, gia cố những hạng mục xuống cấp để có biện pháp xử lý kịp thời khi mùa mưa bão tới. Theo đó, xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập trong quá trình thi công trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Xác định các công trình đang có sự cố, hư hỏng trọng điểm, xây dựng phương án đảm bảo an toàn; phối hợp chặt chẽ để triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ 2023; xây dựng, hoàn thiện quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an toàn công trình giữa địa phương và đơn vị quản lý. Nghiêm cấm việc cắt xẻ công trình đầu mối để triển khai thi công khi không đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ du trong mùa mưa lũ.
Đối với các công trình đang thi công phần cống phải tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn. Đối với những công trình thi công đã hoàn thành hạng mục đập đất, cống lấy nước, trong quá trình tích nước đề nghị đơn vị quản lý, chủ đầu tư phải thường xuyên theo dõi, nếu phát hiện thấy hiện tượng bất thường phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá mức độ an toàn. Đối với những công trình hồ chứa đang thi công còn thiếu vốn, UBND các huyện, thành phố báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, ưu tiên bố trí kinh phí để hoàn thành công trình.
Nhằm sẵn sàng ứng phó với tình huống trong mùa mưa bão, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, phường, thị trấn theo dõi chặt chẽ các bản tin thời tiết, dự báo tình hình mưa bão của cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn, thực hiện phương án bảo đảm an toàn, vận hành công trình thủy lợi tiêu nước phục vụ sản xuất, dân sinh. Thực hiện nghiêm túc các công điện của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai. Khoanh vùng diện tích có nguy cơ bị ngập lụt, úng để có phương án cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng.
Khi xảy ra mưa lớn có nguy cơ gây ngập úng, khẩn trương vận hành công trình thủy lợi để tiêu nước, đảm bảo giảm thiểu thiệt hại. Rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi để có phương án ứng phó với mưa lớn, bảo đảm an toàn công trình; đối với các hồ chứa không đảm bảo an toàn xem xét không tích nước. Triển khai thực hiện phương án bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt quan tâm an toàn các hồ chứa đang thi công, hồ chứa nhỏ, xung yếu.
Vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình được phê duyệt; hồ chứa có cửa van xả lũ điều chỉnh mực nước hồ để chủ động đón lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình, không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du; tích nước hợp lý đối với hồ chứa có dung tích trữ thấp. Thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố. Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ; bố trí nhân lực thường trực tại công trình có nguy cơ xảy ra sự cố; kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm "4 tại chỗ” khi có nguy cơ xảy ra sự cố công trình.
Các ngành chức năng đẩy mạnh phối hợp nhằm đảm bảo an toàn hồ đập, hạn chế gây thiệt hại tại vùng hạ du trong mùa mưa bão.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình yêu cầu Sở, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình, hạ du khi hồ Hòa Bình xả lũ, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, sản xuất của nhà nước và nhân dân trong mùa mưa lũ năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Các Chủ hồ chứa thủy điện; các đơn vị quản lý vận hành lưới điện trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thành phố triển tăng cường công tác quản lý an toàn điện, an toàn đập thủy điện trước, trong và sau mùa mưa lũ 2023; tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023; chỉ đạo kiểm tra công tác an toàn đập, an toàn đối với công trình điều tiết và các trang thiết bị phục vụ vận hành xả lũ; chỉ đạo rà soát kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn cho công trình thủy điện Hòa Bình và khu vực hạ du đập thủy điện Hòa Bình, đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa nước thuộc quy trình liên hồ trên lưu vực sông Hồng trong mùa lũ năm 2023.
Rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn khi các hồ chứa xả lũ bao gồm: Hệ thống đê điều, công trình đang thi công: Toàn tuyến hạ lưu sông Đà có khoảng 32,93km đê gồm 9,2km đê cấp III còn lại là đê cấp IV với 6 trọng điểm xung yếu cần bảo vệ đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 966/QĐ-UBND ngày 11/5/2023 cho các tuyến đê cấp III, 02 điểm xung yếu cho các tuyến đê cấp IV được Uỷ ban nhân dân thành phố Hòa Bình phê duyệt phương án. Hiện nay, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt phương án sơ tán dân hạ du khi nhà máy thủy điện Hòa Bình xả lũ tại Quyết định số 2760/QĐ-UBND ngày 12/11/2018.
Khu nuôi trồng thuỷ sản gồm 14 khu với số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông, trên khu vực lòng hồ, ven sông: Khoảng 4.700 lồng cá nuôi trên lòng hồ thủy điện; khoảng 106 lồng nuôi nhỏ lẻ dọc bờ sông Đà phía hạ lưu đập thuỷ điện Hoà Bình; Phương tiện vận tải thủy, các bến đò: Thượng lưu và hạ lưu gồm 9 bến thủy (thượng lưu 4 bến, hạ lưu 5 bến); 3 bến khách ngang sông tại hạ lưu; số phương tiện vận tải thủy gồm 630 phương tiện trong đó khu vực thượng lưu 500 phương tiện, hạ lưu 130 phương tiện;
Hoạt động khai thác khoáng sản, canh tác nông nghiệp, sản xuất kinh doanh khác trên bãi sông, ven sông: Gồm 01 điểm khai thác khoáng sản và 20 điểm kinh doanh trên bãi sông. Chỉ đạo rà soát phương án chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện để phòng chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp độ báo động, phương án bảo vệ các trọng điểm công trình xung yếu...
Bùi Hằng
Bình luận