Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 16:01
Thứ ba, 28/06/2022 12:06
TMO - Trong thời gian tới, Tổng cục Thủy lợi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, nguồn nước, khí tượng thủy văn, để tham mưu chỉ đạo, điều hành giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, đặc biệt ở khu vực Trung Bộ; phòng, chống ngập lụt, úng ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ; ngập lũ nội đồng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...
Tại hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 27/6, Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, công tác thủy lợi không chịu tác động lớn của khí hậu thời tiết như những năm trước.
Tuy nhiên tại khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ tình trạng hạ thấp mực nước ở hạ du hệ thống sông Hồng - Thái Bình ảnh hưởng rất lớn đến điều tiết xả nước phục vụ sản xuất, dân sinh; khu vực ĐBSCL, xâm nhập mặn cũng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm.
Tổng cục Thủy lợi đã chỉ đạo công tác vận hành công trình thủy lợi, công trình nước sạch nông thôn bảo đảm phục vụ dân sinh, sản xuất, phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập, lụt, úng, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước . Nhờ đó, không xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, không có diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.
Tổng cục Thủy lợi phối với với các đơn vị vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp
Trong vụ đông xuân 2021 - 2022, Tổng cục Thủy lợi đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện 3 đợt xả nước từ các hồ chứa thủy điện trong 16 ngày, đảm bảo cấp nước cho 506.558 ha lúa tại khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ. Tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, Tổng cục thường xuyên có thông tin tới các địa phương khu vực cảnh báo tình hình hạn hán, thiếu nước để có phương án canh tác phù hợp với tình hình thời tiết.
Trong đó, các khu vực nguồn nước chắc chắn không đủ phải giãn, dừng sản xuất, khu vực nguồn nước thiếu hụt phải chuyển đổi sang loại cây trồng cần ít nước tưới hơn; xem xét xuống giống sớm để tận dụng lượng nước còn lại của vụ đông xuân. Đồng thời, tránh thời điểm hạn hán, thiếu nước vào cuối mùa khô và nguy cơ ngập lụt, úng cuối mùa nếu xảy ra mưa sớm.
Đối với khu vực ĐBSCL, Tổng cục thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước; tổ chức dự báo sớm, cập nhật thường xuyên, liên tục tình hình xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước, cung cấp bản tin, tin nhắn thường xuyên đến lãnh đạo Bộ và địa phương.
Tính đến tháng 5/2022, đã có 34/63 tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm nay, Tổng cục tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra hiện trạng một số đập, hồ chứa nước và làm việc về công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi tại một số địa phương; báo cáo Bộ công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Lạng Sơn, Kon Tum, Gia Lai...
Công trình siêu thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé góp phần trữ ngọt, ngăn mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL. Ảnh: Nguyễn Phương
Trong 6 tháng cuối năm 2022, Tổng cục Thủy lợi đề ra kế hoạch tập trung hoàn thành việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo đúng tiến độ của Bộ NN&PTNT, Chính phủ giao.
Xây dựng kế hoạch, triển khai, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2045” theo Kết luận của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Chính phủ; hoàn thành các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Đồng thời, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, nguồn nước để tham mưu công tác chỉ đạo điều hành giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước ở khu vực Trung bộ, phòng chống ngập úng ở Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, ngập lũ nội đồng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đập, hồ chứa thủy lợi trong mùa mưa lũ.
Tổng cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc giám sát, dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước cung cấp cho các hệ thống công trình thủy lợi thuộc các lưu vực sông liên tỉnh, chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi liên tỉnh để cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Có những khuyến cáo cho các địa phương để kịp thời điều chỉnh kế hoạch phân phối nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước khi hạn hán, thiếu nước xảy ra.
Thùy Trang
Bình luận