Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Chủ nhật, 13/10/2024 06:10
TMO - Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa bão, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động phương án ứng phó nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về người và tài sản.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát đề xuất việc hỗ trợ kinh phí khắc phục các hồ chứa, đê kè xung yếu trên địa bàn để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ và chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất của nhân dân; báo cáo UBND tỉnh xem xét chỉ đạo thực hiện.
Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan xem xét đề xuất việc hỗ trợ các trang thiết bị như áo phao, phao cứu sinh, nhà bạt, bao cát,… cho các đơn vị, địa phương để thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ năm 2024; hỗ trợ xây dựng nhà cộng đồng tránh lũ tại 2 xã vùng trũng trọng yếu, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét chỉ đạo thực hiện.
Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp Ban Quản lý dự án Giao thông tỉnh và UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra, yêu cầu thực hiện thanh thải dòng chảy tại các vị trí cầu, cống, các dự án đang triển khai để đảm bảo thoát lũ, không gây sa bồi thủy phá.
Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra các mỏ khai thác khoáng sản (cát), hoàn thành việc thông thoáng dòng chảy theo thời gian quy định (trừ các mỏ khai thác khoáng sản (cát) được khai thác cát được UBND tỉnh cho phép khai thác trong mùa mưa để phục các dự án trọng điểm).
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động phương án ứng phó nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về người và tài sản.
Chủ tịch UBND tỉnh giao các Ban quản lý dự án tỉnh, UBND các huyện thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai ngay việc thông thoáng dòng chảy tại các cầu, cống, sông, suối, trục tiêu, phạm vi thi công các dự án,… Đặc biệt, thông thoáng dòng chảy dọc theo các dự án: Tuyến đường ven biển đoạn Diêm Vân – Cát Tiến, đoạn từ đường Điện Biên Phủ nối dài đến khu đô thị Diêm Vân; Nâng cấp tuyến ĐT.640 – Cát Tiến; Tuyến đường tránh ĐT.633 (đoạn từ Núi Ghềnh đến giáp đường ven biển ĐT.639) để đảm bảo thoát nước, tránh ngập úng trong mùa mưa, lũ năm 2024; đồng thời, khẩn trương xây dựng Phương án ứng phó thiên tai các công trình đang xây dựng, đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ.
UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành và nhân dân về công tác phòng chống thiên tai, nhất là biện pháp phòng tránh và khả năng nhận biết các loại hình thiên tai như mưa, dông lốc xoáy, sấm sét, sạt lở đất, bão, lũ lụt; hướng dẫn cho nhân dân chằng, chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ. Bên cạnh đó, chủ động kiểm tra, rà soát đánh giá các khu vực trọng yếu có nguy cơ xảy ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...
Kịp thời điều chỉnh, bổ sung, cập nhật các kế hoạch, phương án phù hợp, sát với thực tế ở từng địa phương. Tổ chức tập huấn, huấn luyện, luyện tập thuần thục các phương án cho lực lượng tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư đầy đủ, chu đáo để sẵn sàng xử lý các tình huống. Thống kê danh sách cụ thể các phương tiện, máy móc chuyên dùng huy động trong doanh nghiệp, nhân dân để chủ động phục vụ ứng phó khi có thiên tai; các phương tiện được huy động đảm bảo vận hành tốt và được kiểm tra đầy đủ nhiên liệu trước khi có bão, lũ, sạt lở,…
UBND các huyện, thị xã, thành phố còn có trách nhiệm tổ chức trực ban công tác phòng chống thiên tai, thường xuyên theo dõi lượng mưa, mực nước sông trong tỉnh, theo dõi quá trình tích nước của các hồ chứa, mực nước sông để có kế hoạch ứng phó kịp thời. Đối với các hồ chứa xuống cấp, hư hỏng nặng, đề nghị rà soát và có phương án tích nước hợp lý, đảm bảo an toàn trong mùa mưu lũ năm 2024; thường xuyên kiểm tra, chuẩn bị tốt phương án “4 tại chỗ” để kịp thời ứng phó khi có sự cố.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban quản lý dự án 2, 85 chỉ đạo các đơn vị thi công các gói thầu thuộc dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, qua địa bàn tỉnh Bình Định khẩn trương kiểm tra và tổ chức thông thoáng dòng chảy tại các vị trí cầu, cống, đường công vụ,… để bảo đảm thoát lũ tránh ngập úng và phải có các giải pháp hiệu quả bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa, lũ năm 2024.
Đảm bảo an toàn đập, hồ chứa là nhiệm vụ quan trọng được ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh triển khai.
Theo số liệu từ Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) cho thấy, toàn tỉnh có 164 hồ chứa nước và 289 đập dâng. Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định hiện quản lý 63 hồ chứa lớn với tổng dung tích khoảng 640 triệu m³, trong khi các địa phương quản lý 99 hồ vừa và nhỏ, dung tích tổng cộng 40 triệu m³.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, có 10 hồ chứa nước đang trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, như: Hóc Quăn, Lòng Bong, Nam Hương, Bàu Dài, Bàu Sen, Hòa Mỹ, Hóc Bông, Thuận An, Hóc Sanh, Hóc Huy.Bên cạnh đó, nhiều hồ chứa do địa phương quản lý đang đối mặt với sự xuống cấp nghiêm trọng. Kết cấu đập đất không đảm bảo, thân đập bị thấm, cống lấy nước bị rò rỉ, gây khó khăn trong vận hành. Đường quản lý chủ yếu là đường đất, nhỏ hẹp, dễ bị chia cắt khi mưa lũ lớn xảy ra, gây khó khăn cho công tác cứu hộ và cứu nạn.
Để giảm thiểu rủi ro, tỉnh đang tiến hành nâng cấp 12 hồ chứa, nhằm đảm bảo vượt lũ an toàn và nâng cao khả năng tích nước, giảm xói lở và thoát lũ sau khi hoàn thành. Các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ và Tây Sơn cũng đang tích cực nâng cấp hàng loạt hồ chứa khác nhằm bảo vệ an toàn cho khu vực hạ du.
Sở NN&PTNT cho biết, công tác đảm bảo an toàn cho hồ chứa và đập dâng trước mùa mưa bão luôn được đặt lên hàng đầu. Hằng năm, các đơn vị quản lý hồ phối hợp với địa phương xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho từng công trình, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và triển khai nghiêm túc. Đồng thời, truyền thông về phòng ngừa và ứng phó với mưa lũ được đẩy mạnh, nhằm đảm bảo người dân ở vùng nguy cơ nhận được thông tin cảnh báo sớm.
Trước diễn biến thời tiết diễn biến phức tạp, việc đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ chứa là nhiệm vụ cấp thiết. Các hồ lớn như Định Bình, Núi Một, Đồng Mít, Hội Sơn, Thuận Ninh, Vạn Hội và Văn Phong đã được điều tiết mực nước xuống thấp nhất trước mùa mưa lũ để sẵn sàng đón đợt lũ đầu tiên. Điều này giúp bảo vệ an toàn cho công trình và giảm thiểu tối đa tác động của lũ lụt đến đời sống và sản xuất của người dân.../.
Hải Long
Bình luận