Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 12:01
Thứ hai, 25/03/2024 14:03
TMO - Đắk Nông cần chú trọng phát triển các cây công nghiệp chủ lực như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu theo hướng tái canh, bền vững và áp dụng tiêu chuẩn, kỹ thuật công nghệ hiện đại; chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để phát triển các cây tiềm năng như mắc ca, dược liệu, các loại cây ăn quả, rau, hoa có giá trị kinh tế cao.
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành địa phương phát triển khá của vùng Tây Nguyên; là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương giữa vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; là trung tâm công nghiệp bauxite - alumin - nhôm của quốc gia, năng lượng tái tạo của vùng. Quy hoạch xác định 3 lĩnh vực đột phá của Đắk Nông gồm: Phát triển công nghiệp bauxite-alumin-nhôm; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trên cơ sở phát huy lợi thế khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
(Ảnh minh họa)
Đối với công nghiệp bauxite-alumin-nhôm, là địa phương có trữ lượng bauxite lớn nhất cả nước, tỉnh sẽ tập trung hoàn thành, đưa vào vận hành Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông; mở rộng, nâng công suất Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ từ 1,2 triệu tấn lên 2 triệu tấn alumin/năm. Đồng thời, sẽ kêu gọi đầu tư các dự án: Nhà máy Alumin Đắk Nông 2, Nhà máy Alumin Đắk Nông 3, Nhà máy Alumin Đắk Nông 4, Nhà máy Alumin Đắk Nông 5 gắn với các khu vực, cụm mỏ khai thác theo quy hoạch. Về nông, lâm nghiệp, tỉnh Đắk Nông sẽ chú trọng phát triển các cây công nghiệp chủ lực như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu theo hướng tái canh, bền vững và áp dụng tiêu chuẩn, kỹ thuật công nghệ hiện đại; chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để phát triển các cây tiềm năng như mắc ca, dược liệu, các loại cây ăn quả, rau, hoa có giá trị kinh tế cao.
Phát biểu trong Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đắk Nông có nhiều tiềm năng để phát triển bứt phá nếu giải quyết được những nút thắt về: Kết nối giao thông với vùng Đông Nam Bộ, chỉ tiêu đất ngoài ngoài lâm nghiệp, quy hoạch khoáng sản. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Đắk Nông có lợi thế riêng có vì giữ vai trò là cầu nối giữa Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ vốn đang phát triển mạnh mẽ và sẽ lan toả sang Bình Dương, Bình Phước rồi sẽ đến Đắk Nông, nên tỉnh phải chủ động chuẩn bị thật chu đáo để đón đầu xu thế này.
Trước đó, ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch phấn đấu đến năm 2030, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ; là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương giữa vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia, năng lượng tái tạo của vùng; phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị thị trường; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, xã hội, môi trường, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Theo Quy hoạch, Đắk Nông đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 9,05%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 130 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp đạt khoảng 26,3%; công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 27,7%; dịch vụ đạt khoảng 40,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt khoảng 5,2%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3%/năm, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm bình quân từ 5%/năm trở lên, theo chuẩn nghèo mới.
HOÀI AN
Bình luận