Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 00:11
Thứ tư, 26/07/2023 19:07
TMO - UBND tỉnh Đắk Lắk đã có kế hoạch tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết, trong đó yêu cầu UBND các huyện, thành phố, sở, ban, ngành phối hợp vệ sinh môi trường tại cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa được triển khai đồng bộ.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 16/7, toàn tỉnh ghi nhận 750 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 738 ca mắc sốt xuất huyết Dengue và sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo; 12 ca mắc sốt xuất huyết Dengue nặng; một trường hợp tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết xuất hiện tại 15/15 huyện, thành phố. Huyện Ea Kar báo động với 129 ca, thành phố Buôn Ma Thuột 123 ca, huyện Ea H’Leo 109 ca.
Theo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trong thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng đột biến so với cùng kỳ tháng trước. Có nhiều trường hợp nặng vào viện trong tình trạng sốc sốt xuất huyết, chảy máu liên tục. Đây là cảnh báo đối với bậc cha mẹ trong mùa dịch tễ sốt xuất huyết. Nguyên nhân gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn do Đắk Lắk bước vào mùa mưa, thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường còn hạn chế, người dân vẫn chủ quan, lơ là trong công tác phòng ngừa bệnh. Khi mắc bệnh người dân thường tự ý mua thuốc uống điều trị tại nhà khiến bệnh diễn tiến nặng rất khó điều trị, nguy cơ tử vong cao.
Đảm bảo vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh.
Do đó, cha mẹ cần chú ý không để các cháu bị muỗi đốt, nếu có triệu chứng của bệnh phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được phân loại, điều trị kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Mặc dù UBND tỉnh Đắk Lắk đã có kế hoạch tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết, trong đó yêu cầu UBND các huyện, thành phố, sở, ban, ngành phối hợp vệ sinh môi trường tại cơ quan, đơn vị thế nhưng công tác này vẫn chưa được triển khai đồng bộ. Các ngành vẫn lơ là, chủ quan, trông chờ vào ngành Y tế để khi có dịch sốt xuất huyết thì mới phun thuốc. Tuy nhiên, phun thuốc là khâu cuối cùng, điều quan trọng hơn, người dân cần vệ sinh môi trường, nhà ở, khi có dấu hiệu của bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời. Do đó, để hạn chế thấp nhất số ca mắc sốt xuất huyết, ngành Y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng bệnh, đồng thời nâng cao năng lực điều trị các ca nhiễm.
Hoài An
Bình luận