Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ tư, 10/07/2024 13:07
TMO - Tỉnh Đắk Lắk hiện có 108 công trình thủy lợi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và cần được đầu tư nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo vận hành an toàn nhất là trong mùa mưa lũ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk đã có báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Đắk Lắk về tình hình thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2024. Theo đó, địa phương có 622 đập, hồ chứa nước thủy lợi được phân loại theo Nghị định 114 của Chính phủ.
Tính đến tháng 6/2024, các cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra 532 hồ chứa. Trong đó, có 108 công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và 7 công trình có nguy cơ mất an toàn. Các hồ có nguy cơ mất an toàn gồm: Hồ Xâm Lăng (huyện Krông Ana); hồ Phân Trại 1 (huyện M’Đrắk); hồ Phù Mỹ (huyện Ea H’leo); hồ Ea Bir, hồ Ea Ksuy (huyện Krông Năng); hồ Trại Bò (huyện Ea Kar) và hồ Ông Và (TP Buôn Ma Thuột); 234 hồ có kết quả đánh giá an toàn; 183 hồ cơ bản an toàn; 29 đập bị thấm, trong đó 8 đập thấm nặng; biến dạng mái đập 107 công trình. Nhiều tràn xả lũ, cống lấy nước, xói lở… bị hư hỏng cũng gây mất an toàn trong mùa mưa, lũ.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 108 công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ảnh: CB.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế: Nhiều tổ chức khai thác công trình thủy lợi chưa bảo đảm yêu cầu về năng lực tối thiểu, nhất là thiếu đội ngũ chuyên ngành thủy lợi. Nhiều công trình thủy lợi đã xuống cấp, hư hỏng, trong khi nguồn ngân sách của tỉnh khó khăn, việc đầu tư kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các công trình bị hư hỏng rất hạn chế và không kịp thời.
Để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ, Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk bố trí ngân sách hỗ trợ các tổ chức khai thác công trình thủy lợi kiểm định an toàn đập; lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; lắp đặt thiết bị và quan trắc công trình đập, hồ chứa nước; lập quy trình bảo trì; cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình…Đồng thời, kiến nghị các cơ quan cấp tỉnh, cấp bộ liên quan tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ chứa thủy lợi hư hỏng, xuống cấp, mất an toàn và có nguy cơ mất an toàn.
Đối với các công trình đập, hồ chứa đã phân cấp, Sở NN&PTNT đề nghị UBND cấp huyện, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk khẩn trương triển khai các dự án sửa chữa, nâng cấp, cải tạo công trình đã được bố trí vốn theo kế hoạch; đồng thời tiếp tục rà soát, xác định các công trình hư hỏng nặng, chủ động ưu tiên trong việc tu bổ, sửa chữa đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa, lũ năm 2024.
UBND cấp huyện, Công ty chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, tổ chức thủy lợi cơ sở cử người trực tại công trình 24/24 giờ khi có mưa, lũ lớn xảy ra; thông báo cho nhân dân vùng hạ lưu công trình biết để có biện pháp chủ động di dời kịp thời khi công trình xảy ra sự cố; thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến thời tiết, chủ động vận hành bảo đảm an toàn của công trình; báo cáo Sở NN&PTNT, UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo khi có nguy cơ xảy ra mất an toàn.
Tỉnh Đắk Lắk tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ.
Tại Đắk Lắk vào mùa mưa, thường xảy ra các đợt lũ, lũ quét, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Để chủ động phòng, chống sạt lở, giảm thiệt hại và đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi trong mùa mưa lũ, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã xảy ra sự cố trong mưa lũ vừa qua, không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng của nhân dân. Sở NN&PTNT chỉ đạo xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng.
UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Xây dựng kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, kênh rạch, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất; thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về hoạt động xây dựng, nhất là hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng. Sở Công Thương chỉ đạo công tác phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn đối với hồ đập thủy điện, hệ thống cung cấp, truyền tải điện. Sở Giao thông vận tải rà soát, kiểm tra các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt sâu để có phương án ứng phó…/.
Đức An
Bình luận