Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 01:11
Chủ nhật, 22/09/2024 12:09
TMO - Trong bối cảnh thế giới đang tìm cách duy trì tình trạng ấm nóng toàn cầu ở mức 1,5 độ C, lãnh đạo các quốc đảo nhỏ và một số nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu kêu gọi thế giới cần hành động nhiều hơn.
Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 diễn ra trong bối cảnh có ý nghĩa đặc biệt khi Liên hợp quốc và Việt Nam cùng hướng tới 80 năm ngày thành lập Liên hợp quốc, tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, và 80 năm ngày ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), hướng tới một tương lai và đường lối phát triển mới cho Liên hợp quốc và thế giới.
Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc sẽ tiến hành tổ chức một chuỗi sự kiện trong Tuần lễ Cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 mà tâm điểm là Hội nghị thượng đỉnh Tương lai với chủ đề “Giải pháp đa phương vì một tương lai tốt đẹp hơn” và Phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên hợp quốc với chủ đề bao trùm là “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Cùng hành động để thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho các thế hệ hiện nay và mai sau” nhằm kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế và củng cố chủ nghĩa đa phương, trong đó Liên hợp quốc có vị trí trung tâm nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung, đặc biệt là các Mục tiêu phát triển bền vững. Hội nghị thượng đỉnh Tương lai có ý nghĩa lịch sử với chương trình nghị sự tham vọng đề cập đến tất cả các lĩnh vực hợp tác tại Liên hợp quốc và có quá trình chuẩn bị kéo dài gần hai năm qua.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Ảnh: Lực lượng chức năng đang gia cố đê bao ứng phó mưa lũ.
Đây là dịp để lãnh đạo, nguyên thủ các quốc gia trao đổi và đề xuất các giải pháp nhằm ứng phó với những thách thức toàn cầu, đề ra tầm nhìn chiến lược cho Liên hợp quốc, định hướng phát triển tương lai vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng, công bằng và bền vững hơn cho nhân loại. Các thảo luận và quyết định trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 có tác động lâu dài và sâu rộng đối với quan hệ quốc tế, hợp tác toàn cầu và thúc đẩy các mục tiêu chung.
Ngoài chủ đề chính, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 sẽ thảo luận một số chủ đề đáng quan tâm khác được thể hiện qua các bài phát biểu. Đơn cử như xung đột ở Gaza. Theo giới chức y tế địa phương, số người chết ở Gaza đã lên tới hơn 41 nghìn và tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi. Trong bối cảnh đó, nhiều lãnh đạo các nước dự kiến sẽ kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
Cuộc ‘Xung đột ở Gaza’ bắt đầu cách đây gần 1 năm sau cuộc tấn công của Hamas nhắm tới Israel ngày 07/10/2023, hai tuần sau khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2023 kết thúc. Sau khi Israel tấn công trả đũa Hamas ở Dải Gaza, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 27/10/2023 đã kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức. Cơ quan này sau đó vào tháng 12 đã yêu cầu một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo tức thời. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vốn thường chỉ trích Liên Hợp Quốc chống lại Israel và Thủ tướng Palestine Mahmoud Abbas đều dự kiến sẽ phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 26/09 tới đây.
Chủ đề ‘Xung đột ở Ukraine’: Lãnh đạo nhiều quốc gia dự kiến sẽ kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vốn đã kéo dài gần 2 năm rưỡi. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua 6 nghị quyết về cuộc xung đột này trong năm đầu tiên qua đó yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine. Thủ tướng Ukraine Volodymyr Zelenskiy dự kiến sẽ phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 25/09/2024. Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự trực tuyến Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2020 do Covid-19, ông đã không tới New York dự sự kiện này kể từ năm 2015. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ có bài phát biểu tại đây ngày 28/09 tới đây.
Chủ đề ‘Khí hậu’: Trong bối cảnh thế giới đang tìm cách duy trì tình trạng ấm nóng toàn cầu ở mức 1,5 độ C, lãnh đạo các quốc đảo nhỏ và một số nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu dự kiến sẽ sử dụng các bài phát biểu của mình tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để một lần nữa kêu gọi thế giới hành động.
Chủ đề ‘Cải tổ Hội đồng Bảo an’: Nhiều lãnh đạo thế giới, đặc biệt là từ châu Phi và các cường quốc bao gồm Brazil, Đức, Ấn Độ và Nhật Bản dự kiến sẽ kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an vốn có nhiệm vụ chính là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Vấn đề này đã từ lâu được thảo luận tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhưng trong những năm gần đây mới được thúc đẩy sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Các ý tưởng cải tổ bao gồm mở rộng số lượng thành viên Hội đồng bảo an thông qua việc bổ sung thêm các nước thường trực có quyền phủ quyết hoặc các thành viên được bầu ngắn hạn nhằm đa dạng hóa cơ chế thành viên và hạn chế quyền phủ quyết vốn đang được nắm giữ bởi Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, và Pháp. Mọi thay đổi đối với quy chế thành viên của Hội đồng Bảo an sẽ được thực hiện bằng cách sửa đổi Hiến chương Liên Hợp Quốc. Điều này sẽ cần tới sự ủng hộ của 2/3 tổng số các nước thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bao gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lên đường sang Mỹ tham dự Đại hội đồng LHQ Khóa 79.
Sáng 21/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng LHQ Khóa 79, làm việc tại Mỹ. Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng ta tham dự trực tiếp Đại hội đồng Liên hợp quốc và cũng là hoạt động ngoại giao đa phương đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại tổ chức quốc tế toàn cầu Liên hợp quốc, qua đó tái khẳng định mạnh mẽ ở cấp cao nhất đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả, chia sẻ tầm nhìn và giải pháp của Việt Nam về vai trò của Liên hợp quốc và các vấn đề lớn của thế giới, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với hợp tác đa phương, các chương trình nghị sự lớn của Liên hợp quốc và quan hệ toàn diện với Liên hợp quốc.
LAN HƯƠNG
Bình luận