Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 16:01
Thứ tư, 22/01/2025 14:01
TMO – Thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục ưu tiên đầu tư hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics; hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguồn điện; cấp nước sạch, khoa học và đổi mới sáng tạo, môi trường.
Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Kế hoạch, Đà Nẵng tiếp tục ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn, tạo xung lực mới trong tăng trưởng và phát triển, gồm: Các dự án tạo không gian phát triển mới và năng lực mới, thúc đẩy sự phát triển của thành phố theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững; các dự án hạ tầng kỹ thuật (giao thông kết hợp đô thị (TOD), hạ tầng phục vụ Khu thương mại tự do, Khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ du lịch); hạ tầng xã hội, hạ tầng thông tin, truyền thông, chuyển đổi số cấp thiết, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, các dự án thủy lợi, đê, kè, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường, đổi mới sáng tạo, bảo đảm quốc phòng - an ninh...
Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Thu hút đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công. Thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các vùng động lực của thành phố.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics; hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguồn điện; cấp nước sạch; cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, khoa học và đổi mới sáng tạo, môi trường, thương mại, dịch vụ.
(Ảnh minh họa)
Về kế hoạch sử dụng đất 05 năm, giai đoạn (2021 – 2025): Xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025, các kế hoạch sử dụng đất quận, huyện, đảm bảo quỹ đất để triển khai thực hiện các định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, các dự án đã được xác định.
Giai đoạn (2026 – 2030): Đà Nẵng cần xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2026 - 2030, các kế hoạch sử dụng đất quận, huyện, đảm bảo quỹ đất để triển khai thực hiện các định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, các dự án đã được xác định theo các quy hoạch quốc gia, quy hoạch thành phố. Đồng thời, quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai để có phương án quy hoạch, kêu gọi đầu tư phù hợp nhằm đẩy mạnh khơi thông nguồn lực đất đai; nâng cao chất lượng lập, quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý quy hoạch kiến trúc đi vào chiều sâu, hướng tới xây dựng các đô thị xanh, thành phố thông minh…
Nguồn lực thực hiện quy hoạch: Giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến cần huy động khoảng 800 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển (theo giá hiện hành), tương đương khoảng 40% GRDP, trong đố vốn đầu tư khu vực kinh tế Nhà nước chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư (giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 25 - 30% và giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 20 - 25%); vốn đầu tư khu vực kinh tế ngoài Nhà nước cần huy động ở mức cao, dự kiến khoảng 60 - 65% tổng vốn đầu tư; thu hút vốn FDI khoảng 10 - 15% tổng vốn đầu tư.
Kế hoạch cũng nêu rõ các nhiệm vụ, trọng tâm về thực hiện Quy hoạch, trong đó: Thu hút đầu tư phát triển theo quy hoạch đã được phát triển. Xúc tiến đầu tư theo trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên triển khai các dự án động lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao, có khả năng thu hồi vốn nhanh, có sức lan tỏa tới các dự án khác.
Tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển thành phố và các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, quản trị hiện đại… Mở rộng kết nối thị trường trong nước và ngoài nước; tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng suất lao động, trình độ công nghệ của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của thành phố, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tăng cường đối thoại, gặp gỡ và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đầu tư, sản xuất kinh doanh tại địa phương; đa dạng hoá đối tác, hình thức đầu tư; tập trung mời gọi các nhà đầu tư trong nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin; tập trung các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài tại các thị trường trọng điểm, kết nối các đối tác trong lĩnh vực mà thành phố ưu tiên; tăng cường các hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế, hợp tác quốc tế, chủ động liên hệ và trao đổi, hợp tác với các tổ chức để phối hợp hiệu quả trong các hoạt động xúc tiến đầu tư; xúc tiến đăng cai, tổ chức các sự kiện quốc tế theo hướng gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế; kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các nguồn lực ngoài nước; đổi mới, đa dạng hóa cách thức tổ chức các hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư; xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn…
Trước đó, ngày 2/11/2023, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của cả nước; Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; Thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực Châu Á; Đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Mục tiêu về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5-10%/năm và phấn đấu đạt 12%/năm. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 2,5-3%; công nghiệp - xây dựng tăng 10-10,5% (công nghiệp tăng 11,5-12%); dịch vụ tăng 9,5-10%. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 1-2%; công nghiệp - xây dựng khoảng 29-30%; dịch vụ khoảng 61-62%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8-9%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 8.000-8.500 USD. Tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ tăng 17,5-18%/năm; doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành tăng 12,5-13%/năm; cụm ngành logistics chiếm khoảng 10% GRDP; kinh tế số chiếm khoảng 35-40% GRDP, trong đó cụm ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông chiếm khoảng 10-15%.
Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%. Tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị đạt 23-26%, trong đó tỷ lệ đất giao thông đô thị (tính đến đường liên khu vực) đạt tối thiểu 9-10%, tỷ lệ đất cho giao thông tĩnh đạt 3-4% diện tích đất xây dựng đô thị. Tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 10-25% (gồm: xe buýt đô thị, xe buýt kế cận, các phương thức vận tải công cộng và bán công cộng khác). 100% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.
Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt trên 97%; đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%; tỷ lệ chất thải nguy hại thu gom được xử lý theo quy định đạt 100%. 90% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 100% khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 45-47%.../.
VĂN NHI
Bình luận