Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 23:11
Thứ tư, 10/01/2024 14:01
TMO – Y tế khuyến cáo, khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc cúm ở nước ta đang gia tăng những tuần gần đây không phải là bất thường. Cục Y tế dự phòng cho rằng vì thời tiết hiện nay đang vào thời điểm giao mùa giữa đông và xuân, lúc lạnh, lúc nóng đột ngột, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh liên quan đến đường hô hấp phát triển, trong đó có bệnh cúm.
Kết quả giám sát các trường hợp mắc cúm cũng cho thấy, các chủng virus gây bệnh đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B. Hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A(H5N1), A(H5N6) hoặc A(H7N9).
Hà Nội khuyến khích người dân đeo khẩu trang nơi công cộng.
Theo các chuyên gia, hai đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm A là trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền. Vì vậy, người dân tuyệt đối không được chủ quan, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao. Liên quan đến việc người dân tự ý mua thuốc tamiflu để uống khi mắc cúm, các chuyên gia y tế lưu ý, việc này không cần thiết, thậm chí nếu uống không đúng cách sẽ gây hiện tượng kháng thuốc. Thuốc tamiflu thường được chỉ định với các trường hợp mắc cúm nặng, các trường hợp có nguy cơ cao. Người bệnh không được tự ý sử dụng loại thuốc này khi không có chỉ định của bác sĩ.
Giới chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân áp dụng một số biện pháp như: tăng cường vận động thể lực; đeo khẩu trang khi đi tới nơi đông người và trên các phương tiện vận chuyển công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi... Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Liên quan đến phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt khi Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần, nhiều địa phương trên cả nước đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Trong đó, tại Hà Nội, UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục truyền thông về thông điệp "2K" (khẩu trang + khử khuẩn) trong phòng, chống dịch truyền nhiễm; tuyên truyền khuyến khích người dân tiếp tục đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt khi đi - đến các khu vực công cộng, đông người, khi đi các phương tiện công cộng…
Đồng thời, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh dịch lây từ động vật sang người; dịch bệnh truyền qua thực phẩm. Bên cạnh đó, tổ chức các đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán; vệ sinh môi trường sau mưa, lũ; vệ sinh môi trường trong trường học; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, thu gom phế thải, phế liệu để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết trước và trong mùa dịch.
Thường xuyên thực hiện tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Trước đó, ngày 9/1, Bộ Y tế ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác y tế bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các địa phương tham mưu UBND tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán năm 2024; huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác y tế trong dịp Tết.
Cụ thể, tiếp tục theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát rộng ra cộng đồng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan. Ngành y tế các địa phương phân công cán bộ trực 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết. Đồng thời, xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh theo phương châm bốn tại chỗ; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian nghỉ Tết.
Về công tác khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị Cục Quản lý khám, chữa bệnh chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc ứng trực 24/24 giờ; chủ động các phương án sẵn sàng nhân lực, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế bảo đảm khám, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, pháo nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết… Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, lễ hội có yếu tố nguy cơ cao; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, đồng thời biểu dương các tổ chức, cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho cộng đồng…/.
NGÔ HUYỀN
Bình luận