Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 22:11
Thứ năm, 15/09/2022 08:09
TMO – Biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp, nhiều cử tri tại Ninh Thuận kiến nghị sớm nghiên cứu trình ban hành Luật Biến đổi khí hậu và quy định cơ chế, chính sách, huy động, phân bổ nguồn lực đảm bảo thích ứng tình hình biến đổi khí hậu.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương đã nêu rõ quan điểm “Vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản. Vừa bảo đảm toàn diện, vừa phải có trọng tâm, trọng điểm; có bước đi phù hợp trong từng giai đoạn; dựa vào nội lực là chính, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ và kinh nghiệm quốc tế”.
Tại Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW đã yêu cầu: “Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, bổ sung các quy định mới nhằm tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan”.
Khô hạn và xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Trên cơ sở đó, Bộ TNMT đã xây dựng trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, trong đó Chương ứng phó với biến đổi khí hậu đã quy định đầy đủ, bao quát về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn, lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược và quy hoạch, cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu, báo cáo quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ozon. Luật đã lần đầu tiên chế định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon như là công cụ để thúc đẩy mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện những đóng góp do Việt Nam cam kết, thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, Quyết định số 148/QĐ-TTg ban hành Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cũng theo Bộ TNMT, các văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ban hành khá đầy đủ, Bộ TNMT đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết quy định ứng phó với biến đổi khí hậu, các quy định kỹ thuật có liên quan để tiếp tục triển khai thi hành Luật. Việc xây dựng Luật Biến đổi khí hậu sẽ được tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện các quy định nêu trên để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội vào thời điểm phù hợp.
Phạm Dung
Bình luận