Hotline: 0941068156
Thứ năm, 14/11/2024 13:11
Thứ tư, 13/11/2024 11:11
TMO - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng khẳng định “Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện” và kêu gọi các quốc gia cùng hành động, đạt được mục tiêu theo đóng góp do quốc gia tự quyết định cũng như nâng cao mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo. Việt Nam mong muốn thế giới có thể đoàn kết thông qua vai trò điều phối chung của Liên hợp quốc trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra từ ngày 11 - 22/11/2024 tại Baku, A-déc-bai-gian. Trước thời điểm chính thức, các cuộc họp nhóm, bao gồm nhóm G77 và Trung Quốc diễn ra từ ngày 9 – 10/11. Sau đó, Hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu của COP 29 sẽ diễn ra trong 2 ngày 12 - 13/11.
COP29 khai mạc ngày 11/11/2024. Ảnh: C. Hương
Đoàn Việt Nam tham dự COP29 gồm đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, các thành viên Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu; đại diện một số cơ quan, địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp đang triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng ban công tác đàm phán của Việt Nam Phạm Văn Tấn, cho biết Khẩu hiệu chính của COP29 là: “Đoàn kết vì một thế giới xanh” và “Nâng cao tham vọng, kích hoạt hành động”. Khẩu hiệu đầu tiên ngoài lý do chiến tranh, vấn đề chính đặt ra là các nước cần thực hiện đúng cam kết, cả về giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp tài chính. Đoàn kết để cùng cùng thấu hiểu, cùng thực hiện vì một mục tiêu chung. Khẩu hiệu thứ hai bắt nguồn từ kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu lần thứ nhất cho thấy, dù đạt được tất cả cam kết giảm phát thải thì nhiệt độ toàn cầu vẫn tăng từ 2,4 – 2,7 độ C, vượt quá xa giới hạn nhiệt độ theo mục tiêu cùa Thỏa thuận Pari (giữ mức tăng ở 2 độ C và cố gắng chỉ ở 1,5 độ C). Vì vậy, các nước phải “nâng cao tham vọng” của mình để tương thích với cái mục tiêu trong thỏa thuận Paris, và “kích hoạt hành động” để biến cam kết thành hiện thực.
Đoàn Việt Nam tham dự COP29. Ảnh: C. Hương
Về phía Việt Nam, ngay từ đầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện” và kêu gọi các quốc gia cùng hành động, đạt được mục tiêu theo đóng góp do quốc gia tự quyết định cũng như nâng cao mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo. Việt Nam mong muốn thế giới có thể đoàn kết thông qua vai trò điều phối chung của Liên hợp quốc trong vấn đề biến đổi khí hậu. Đến với Hội nghị COP29, Việt Nam ủng hộ quan điểm các nước phát triển cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu và công khai, minh bạch nguồn thu, cũng như các khoản chi tiêu qua các báo cáo hằng năm.
Bên cạnh đó, Việt Nam đề nghị chi tiêu cho thích ứng và giảm nhẹ cần có sự tương đồng bởi hiện nay, chênh lệnh đang quá lớn. Theo báo cáo mới nhất, nguồn lực toàn cầu dành cho thích ứng biến đổi khí hậu nhiều năm qua chỉ chiếm khoảng 5% tổng chi tiêu cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu, đồng nghĩa với trên 90% nguồn lực đang dành cho giảm nhẹ phát thải, khoảng 2 – 3% còn lại dành cho các hoạt động vừa thích ứng, vừa giảm nhẹ.
Một trong những quốc gia tích cực thực hiện cam kết
Tại COP26, Việt Nam cùng nhiều quốc gia cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Để thực hiện cam kết này, Việt Nam đã chủ động xây dựng, ban hành nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh và đã đạt nhiều kết quả quan trọng sau nhiều năm triển khai.
Phát biểu tại Phiên họp lần thứ 5, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 diễn ra vào đầu tháng 10/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá Việt Nam đã làm tốt, đạt nhiều kết quả tích cực được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong xây dựng thể chế, đào tạo nhân lực, tổ chức thực hiện, xác định và triển khai các chương trình, dự án, khắc phục hậu quả thiên tai.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, chúng ta vẫn thúc đẩy được tăng trưởng, kiểm soát được lạm phát và thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, chính sách tiền tệ, tài khóa dần xanh hóa. Trong thành tựu chung của đất nước có đóng góp của phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ khái quát "4 điểm được" gồm: Thứ nhất, nhận thức và hành động được thống nhất và tăng cường, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về "0" theo đúng cam kết.
Là quốc gia hàng năm chịu nhiều tổn thất do thiên tai, Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai hiệu quả các giải pháp ứng phó. Về lâu dài, Việt Nam đang tích cực chuyển đổi xanh nhằm giảm phát thải, cùng các nước thực hiện cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Ảnh minh họa.
Thứ hai, kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, triển khai kịp thời các cam kết (nội dung cam kết và việc triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 đã được nhanh chóng lồng ghép, cụ thể hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, chiến lược, kế hoạch để triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương), điển hình là triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành theo thẩm quyền ban hành các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể, tạo hành lang chính sách, là cơ sở quan trọng để triển khai nhanh chóng, kịp thời các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng.
Thứ ba, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, thu hút sự quan tâm, cam kết, triển khai các dự án cụ thể của các đối tác quốc tế; nhiều tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu với tiềm lực kinh tế, công nghệ cao, công nghệ ít phát thải khí nhà kính đã đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực. "Các chiến lược của quốc gia và của doanh nghiệp, nhà đầu tư phải cùng hướng thì mới tạo ra xung lực phát triển", Thủ tướng nói.
Thứ tư, có sự thay đổi rõ rệt về nhận thức và hành động, tự giác, nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu của mỗi người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khâu thực hiện, việc tham gia thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng còn chưa đồng đều, đa số làm tốt nhưng còn một bộ phận làm chưa tốt. Các Nhóm công tác hỗ trợ thực hiện JETP đã được thành lập nhưng chậm triển khai thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Các chính sách, quy định liên quan các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26, chuyển đổi năng lượng nhìn chung còn hạn hẹp so với yêu cầu phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh, cơ chế phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản lý phải thông minh. Việc xây dựng các quy định trong lĩnh vực này phải với tư duy đổi mới, phát triển, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Với những vấn đề mới, khó như ứng phó biến đổi khí hậu phải có tư duy, cách tiếp cận phù hợp, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Về quan điểm, Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Do đó, cần nỗ lực lớn hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa để làm tốt hơn việc ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng sạch, thực hiện các cam kết COP26.
Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư là rất quan trọng. Cùng với đó, phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia, thực hiện và hưởng thụ thành quả; vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân…/.
PHẠM DUNG
Bình luận