Hotline: 0941068156
Thứ hai, 27/01/2025 11:01
Thứ sáu, 01/12/2023 11:12
TMO – Ngay trong ngày khai mạc COP28, nhiều quốc gia phát triển đã đưa ra cam kết tài chính mạnh mẽ lên tới hơn 400 triệu USD cho Quỹ Thiệt hại và Tổn thất.
Theo đó, trong Hội ghị COP28, ông Sultan Ahmed al-Jaber (Chủ tịch COP28) hoàn toàn ủng hộ kết quả tham vọng nhất có thể đạt được tại Đánh giá nỗ lực toàn cầu (GST) để rà soát lại xem thế giới đang đứng ở đâu trong việc cắt giảm khí thải, đồng thời, cố gắng kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C.
Theo ông Sultan Ahmed al-Jaber, COP cần hợp tác với các công ty nhiên liệu hóa thạch. Nhiều công ty dầu mỏ quốc gia đã tăng cường tham gia vào quá trình giảm phát thải, thông qua các mục tiêu phát thải mê-tan bằng 0 vào năm 2030 và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhưng như vậy là chưa đủ và các công ty này hoàn toàn có thể làm được nhiều hơn thế.
Nhiều nước phát triển cam kết đóng góp tài chính cho Quỹ Thiệt hại và Tổn thất tại Hội nghị COP28.
Trong khi đó, Tổng thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell nhấn mạnh, các quyết định đầu tư hợp lý cho quá trình chuyển đổi, bao gồm cả ứng phó với tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu rất quan trọng. Những cam kết về hệ thống năng lượng mới cần đảm bảo công bằng nhằm tăng tính khả thi. Điều đó có thể hiểu là công bằng trong từng quốc gia và giữa các quốc gia với nhau.
COP28 được đánh giá là Hội nghị lớn nhất từ trước tới nay với kỷ lục về số lượng nguyên thủ cũng như số đại biểu tham dự. Đến nay, trên 170 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ đã đăng ký phát biểu tại Hội nghị. Tham dự còn có trên 50 nghìn đại biểu đến từ các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan truyền thông và các tổ chức có liên quan khác.
Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) khai mạc hôm 30/11 tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất (UAE). Hội nghị sẽ thúc đẩy kết quả Đánh giá nỗ lực toàn cầu lần đầu tiên theo quy định của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch và bắt đầu giai đoạn chuyển đổi công bằng, cũng như các vấn đề liên quan đến tài chính - đặc biệt là Quỹ Thiệt hại và Tổn thất vốn gây nhiều tranh cãi - cũng được cho là các nội dung chương trình nghị sự có mức độ ưu tiên cao.
Việt Nam là một trong những quốc gia hàng năm bị thiệt hại lớn do thiên tai.
Đoàn cấp cao của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu. Thủ tướng Chính phủ sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức trong ngày 2/12. Bên cạnh các hoạt động trao đổi, đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị COP28, Đoàn Việt Nam tham dự đàm phán kỹ thuật tại COP28 dự kiến sẽ chủ trì một số sự kiện tại Phòng sự kiện bên lề của Việt Nam (Việt Nam Pavilion) trong các ngày 1 – 10/12. Đồng thời, Đoàn cũng tham gia nhiều sự kiện bên lề COP28 nhằm giới thiệu kinh nghiệm và quảng bá thông tin, hình ảnh ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
LÊ HÙNG
Bình luận