Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 12:11
Thứ hai, 20/06/2022 11:06
TMO – Chiến lược phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 10 - 11%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 4 - 5% vào năm 2030.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 với quan điểm phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp hóa chất, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn…
(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Chiến lược đặt mục tiêu là đến năm 2040, công nghiệp hóa chất Việt Nam được phát triển với đa số các phân ngành có công nghệ tiên tiến chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cần, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; bước đầu chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, làm chủ công nghệ sản xuất một số sản phẩm chất lượng cao; phát huy nội lực, góp phần vào phát triển một nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 10 - 11%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 4 - 5% vào năm 2030; giai đoạn đến năm 2040, tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 7 - 8%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp duy trì khoảng 4-5%.
Đến năm 2040, đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước các sản phẩm hóa chất cơ bản hữu cơ, sơn đặc chủng, pin - ắc quy công nghệ cao; nâng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước bình quân của các sản phẩm hóa dầu lên 60%, hoạt chất bảo vệ thực vật lên 50%, hóa chất cơ bản lên 80%, cao su kỹ thuật lên 50%, ắc quy lên 80%; phấn đấu nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 9-11%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, giai đoạn 2030 - 2040 tăng trưởng bình quân 7,5 - 9%/năm.
Định hướng, ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển theo hướng là một ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại với cơ cấu ngành tương đối hoàn chỉnh gồm 10 phân ngành: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa dược, hóa dầu, hóa chất cơ bản (gồm cả tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp), các sản phẩm cao su, điện hóa, chất tẩy rửa, sơn - mực in, khí công nghiệp. Trong đó tập trung vào chiến lược phát triển một số phân ngành trọng điểm: hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược và phân bón.
Sắp xếp lại các cơ sở sản xuất hiện có theo hướng tập trung, quy mô; duy trì và phát triển các nhà máy sản xuất có công nghệ tiên tiến; hạn chế tối đa việc hình thành mới và từng bước loại bỏ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, chất lượng sản phẩm kém, gây ô nhiễm môi trường,...Đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành hóa chất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước, khắc phục đầu tư phân tán, dàn trải, không hiệu quả.
Tú Quyên
Bình luận