Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 13:01
Thứ tư, 18/12/2024 08:12
TMO - Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ được xem là cột mốc quan trọng hướng tới quản lý tổng hợp vùng ven biển hiệu quả và đảm bảo khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển một cách bền vững.
Tại Lễ Công bố Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa diễn ra mới đây, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, việc triển khai thực hiện Quy hoạch sẽ góp phần phát triển vùng bờ biển Việt Nam thành những trung tâm kinh tế - văn hóa sôi động, là cửa ngõ kết nối phát triển giữa đất liền với biển; là điểm tựa vững chắc để tiến ra biển. Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ được phê duyệt cũng là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, kết hợp với củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh, bảo đảm lợi ích quốc gia trên biển, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Theo các chuyên gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở vững chắc để các địa phương ven biển khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cho phát triển với kinh tế biển là nền tảng, bền vững. Đồng thời, là cột mốc quan trọng hướng tới quản lý tổng hợp vùng ven biển hiệu quả và đảm bảo khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển một cách bền vững.
Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp 28 địa phương ven biển thúc đẩy phát triển kinh tế biển.
Để khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển một cách bền vững, các chuyên gia khuyến nghị công bố Quy hoạch là thời điểm để đẩy mạnh phát triển điện gió phù hợp, bao gồm ngoại khơi cũng như ven bờ, hướng đến cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 net zero; Quản trị, điều phối và tăng cường năng và làm rõ kế hoạch và trách nhiệm của chính quyền 28 tỉnh ven biển trong việc thực hiện Quy hoạch này. Quy hoạch là nền tảng vững chắc để thúc đẩy kinh tế biển xanh của cũng như đưa ra các giải pháp dựa vào thiên nhiên.
Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện, trình ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, để cụ thể hóa, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chương trình, dự án ưu tiên cho giai đoạn đến năm 2030; phân công trách nhiệm cho các cơ quan, địa phương và lộ trình triển khai thực hiện để bảo đảm đạt được các mục tiêu của Quy hoạch.
Trước đó, ngày 7/10/2024, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 quản lý và khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên vùng bờ, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn, bảo đảm sinh kế và cải thiện mức sống của cộng đồng dân cư ven biển gắn với bảo tồn và phát triển giá trị tự nhiên, sinh thái, văn hóa; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường, hệ sinh thái vùng bờ.
Cụ thể: Bảo vệ, duy trì và phục hồi hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các giá trị khác của vùng bờ; tăng diện tích bảo tồn, bảo vệ giá trị tự nhiên, sinh thái biển, rừng ngập mặn tại vùng bờ, góp phần thực hiện mục tiêu đạt diện tích tối thiểu bằng 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Sắp xếp, phân bố hợp lý không gian cho các ngành, lĩnh vực và giải quyết cơ bản các chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ, bảo đảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái, bảo vệ môi trường vùng bờ, góp phần đạt được các chỉ tiêu: 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, 100% rác thải nhựa tại các bãi biển, khu du lịch biển và khu bảo tồn biển được thu gom và xử lý; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh và an toàn, có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.
Bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển, cải thiện sinh kế và nâng cao mức sống cho cộng đồng dân cư ven biển, không còn xã đặc biệt khó khăn ở vùng bờ, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước; bảo vệ, bảo tồn các di sản văn hóa, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại.
- Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; triển khai xây dựng công trình quốc phòng theo quy hoạch thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ ven biển; hợp tác quốc tế về tài nguyên, đa dạng sinh học, môi trường biển và hải đảo theo hướng chủ động, có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện giữa các ngành, các cấp. Hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo theo phương thức quản lý tổng hợp, tạo cơ sở để 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ.
Đến năm 2050, tài nguyên vùng bờ được quản lý và khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững để phát triển toàn diện các ngành kinh tế biển, góp phần đưa vùng bờ trở thành trung tâm phát triển kinh tế - văn hóa sôi động, thu hút đầu tư, là cửa ngõ kết nối không gian phát triển giữa đất liền với biển, kết nối giao thương giữa Việt Nam với quốc tế; xây dựng các vùng ven biển thành chỗ dựa vững chắc để tiến ra biển và tạo động lực cho các vùng khác trong cả nước cùng phát triển; có môi trường trong lành, an toàn và các giá trị tự nhiên, sinh thái, cảnh quan, văn hóa, lịch sử được bảo vệ, giữ gìn và phát triển; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, hướng tới mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050…/.
VĂN NHI
Bình luận