Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ hai, 13/12/2021 11:12
TMO - Châu Á chiếm 70% trong chỉ số các thị trường mới nổi MSCI, một số nhóm thị trường cũng được các nhà đầu tư chú ý tới.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Nagelmackers (Bỉ), Ông Christofer Govaerts nhấn mạnh: "Chúng ta nói về các thị trường mới nổi để đánh giá các nền kinh tế chưa hoàn thiện về cơ sở hạ tầng tài chính, nhưng có cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ." Nhìn chung, các nước này đã bắt đầu tự do hóa nền kinh tế và được coi là những nền kinh tế phát triển trong tương lai. Theo ông, cần phải phân biệt giữa thị trường mới nổi và thị trường cận biên. Thị trường cận biên là những quốc gia vẫn còn nhiều chặng đường để đạt được giai đoạn của thị trường mới nổi. Các thị trường này chưa đủ tính thanh khoản và do đó không nằm trong danh mục đầu tư của thị trường mới nổi. Thị trường cận biên là các quốc gia như Ai Cập, Nigeria, Pakistan, Bangladesh, Argentina và Panama.
(Ảnh minh họa)
Châu Á có sự hiện diện mạnh mẽ trong nhóm các quốc gia mới nổi. Trong Chỉ số các thị trường mới nổi MSCI, châu Á chiếm 70% và riêng Trung Quốc chiếm 40%. Một số nhóm thị trường cũng được các nhà đầu tư chú ý tới, ví dụ như MENA là viết tắt của Trung Đông và Bắc Phi, gồm các quốc gia như Maroc, Tunisia, Ai Cập và các quốc gia thuộc bán đảo Arab.
Về Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, ông Christofer Govaerts lưu ý: "Tại các nền kinh tế này, Trung Quốc và Brazil đã phải gánh chịu rất nhiều thiệt hại trong năm 2021. Điều này gây ấn tượng mạnh cả về thị trường chứng khoán và tiền tệ của họ. Tuy nhiên, Ấn Độ đã có một bước tiến tốt đẹp trong năm nay."
Ở châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ là động lực thực sự của tăng trưởng thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các thị trường mới nổi hoạt động kém hơn so với thị trường các nước phát triển, chẳng hạn như thị trường Mỹ hoạt động rất tốt.
Các yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển của các thị trường mới nổi là gì? Ông Christofer Govaerts đưa ra giải thích về diễn biến của giá nguyên liệu thô. Theo ông, tùy thuộc vào quốc gia là nước xuất khẩu nguyên liệu thô hay nước nhập khẩu, hậu quả của việc tăng giá nguyên liệu sẽ khác nhau.
Do đó, cần phải phân tích tác động này theo từng quốc gia. Brazil là một nước xuất khẩu lớn trong khi Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu những nguyên liệu thô này.
Xu hướng biến động của đồng USD cũng sẽ tác động đến các thị trường này. Nếu đồng USD mạnh lên hoặc nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, các nhà đầu tư sẽ rút vốn từ các quốc gia mới nổi để tái tập trung đầu tư vào USD. "Do đó, các ngân hàng trung ương của một số quốc gia mới nổi đã tăng tỷ giá để bảo vệ đồng tiền của họ," ông Christofer Govaerts nhận xét.
Hương Lan
Bình luận