Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 08:11
Chủ nhật, 18/12/2022 09:12
TMO – Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Chuyển đổi số giúp kết nối 9 triệu hộ nông dân với các doanh nghiệp (DN) chế biến, thương mại gắn với 100 triệu người tiêu dùng trong cả nước, thậm chí cả hàng tỷ người tiêu dùng trên thế giới. Đây là cơ hội để chúng ta thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị đã tồn tại của nền nông nghiệp nước ta hàng chục năm qua.
Mục tiêu chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là thúc đẩy nông dân, các DN tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Bộ sẽ tham gia vào tất cả quá trình quản lý, giám sát nguồn gốc; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và DN tham gia vào chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp.
Nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế số, xã hội số; xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân năng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số.
Về tầm nhìn chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 được xác định nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “Sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp”; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Để chuyển đổi số trong nông nghiệp, giới chuyên gia cho rằng, các chính sách được ban hành cần phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính thực tiễn cao nhằm huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0. Từ đó, chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một luồng sinh khí mới.
Các chuyên gia khuyến nghị, đầu tư vào tư duy cho người dân là quan trọng nhất. Nếu có tư duy tốt, có các chương trình phát triển tư duy trực tiếp cho người dân, cứ cho 1 triệu người, có khoảng 10.000 người áp dụng tư duy chuyển đổi số thì cũng thay đổi cả triệu người. Quan trọng hơn cả là cần sự kết hợp của cả chính sách và trình độ dân trí để chuyển đổi số thành công trong nông nghiệp.
Theo đánh giá, tiềm năng của chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Việt Nam là rất lớn vì được sự ủng hộ cao từ các cơ quan, bộ, ngành cho đến các DN công nghệ, DN nông nghiệp. Đây là xu hướng toàn cầu, không ai có thể đi ngược lại. Do đó, cần phải làm tốt hơn, đầu tư nhiều hơn về công nghệ, phần mềm để có thể tăng hiệu quả quản lý, sản xuất trong tương lai, tiến tới một nền nông nghiệp thông minh.
PV
Bình luận