Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Thứ sáu, 09/06/2023 16:06
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi cộng đồng cùng hành động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.
Việt Nam là quốc gia biển và biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát triển bền vững kinh tế biển là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta với quan điểm phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển.
Tuy nhiên, như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đứng trước không ít thách thức khi vấn đề ô nhiễm trắng có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Cùng với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng.
Hoạt động làm sạch bờ biển thu hút sự tham gia đông đảo của ngành chức năng, địa phương.
Trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã tích cực, chủ động tham mưu Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững kinh tế biển. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi nilon sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người; các chính sách, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống được triển khai đồng bộ trên cả nước; nhiều phong trào phòng, chống rác thải nhựa được phát động thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.
Vừa qua, tại khu vực đảo Lan Châu, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, Cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan thực hiện Chương trình “Làm sạch biển” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2023".
Chương trình là hoạt động nối tiếp chuỗi các sự kiện hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng Hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới năm 2023 nhằm kêu gọi các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.
Trong đó, tập trung thống nhất trong nhận thức và hành động để ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luật pháp quốc tế; khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì, bảo vệ môi trường, thúc đẩy hơn nữa việc phát triển cộng đồng văn minh sinh thái biển; coi đây là tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa của mỗi cơ quan, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp và người dân.
Phân loại rác, cũng như hoạt động đổi rác lấy quà được đẩy mạnh triển khai.
Ngay sau Chương trình là hoạt động đổi rác lấy quà tặng. Chương trình hướng tới mục tiêu cung cấp cho người dân, cộng đồng đặc biệt là giới trẻ và khách du lịch thêm thông tin về nhựa, các loại rác nhựa có thể tái chế sau khi sử dụng, đồng thời khuyến khích và thúc đẩy thói quen thực tế trong việc phân loại và thu gom rác đúng cách, góp phần bảo vệ môi trường.
Rác thải sau khi thu gom tại Khu vực Đảo Lan châu sẽ được phân loại, vận chuyển xử lý đúng qui định. Trong quá trình thu gom rác, các tình nguyện viên cũng sẽ tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa để lan toả các hành động ý nghĩa về bảo vệ môi trường.
Rác thải được thu gom và vận chuyển về nơi xử lý theo đúng quy định.
Nghệ An có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển và trên thực tế, kinh tế biển chiếm tỷ trọng rất đáng kể trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đến nay, kinh tế biển, các vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; từ năm 2018, bình quân hàng năm đóng góp trên 26% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh. Với chủ trương hướng mạnh ra biển, làm giàu từ biển, tỉnh Nghệ An đã và đang tập trung huy động mọi nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế biển. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của tài nguyên và môi trường biển, đảo.
PV
Bình luận