Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 22/12/2024 16:12
Thứ tư, 05/04/2023 07:04
TMO - Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt, giải pháp phát triển hạ tầng xanh tại các đô thị lớn của Việt Nam là cấp thiết, trong đó nâng cao tỷ lệ cây xanh đô thị, mở rộng mảng xanh là nhiệm vụ quan trọng.
Ở các đô thị, cây xanh có ý nghĩa rất quan trọng trong điều hòa vi khí hậu. Theo các kết quả nghiên cứu khoa học, khi diện tích đất cây xanh đạt 20 - 50% diện tích đất đô thị thì nhiệt độ không khí có thể giảm từ 3,3 - 3,9 độ C. Cây xanh đô thị có thể hấp thụ từ 40 - 50% cường độ bức xạ mặt trời. Đặc biệt, cây xanh hai bên đường phố có thể giảm lượng bụi trong không khí đối với những tầng trên của nhà cao tầng từ 30 - 60%. Trung bình 1 ha rừng hay vườn cây rậm rạp có thể hấp thụ 1.000 kg CO2 và thải ra 730 kg O2 mỗi ngày.
Đánh giá thực trạng phát triển hạ tầng đô thị xanh ở Việt Nam, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức thấp, chỉ từ 2 - 3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên Hợp quốc là 10m2 và chỉ tiêu của các TP hiện đại trên thế giới từ 20 – 25m2. Như vậy, tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 - 1/10 của thế giới.
Theo kế hoạch năm 2023, Hà Nội sẽ trồng bổ sung, thay thế cây bóng mát vào những vị trí cây chết, hố trống, cây cong, xấu, nguy hiểm, già cỗi, kém phát triển...
Tại Hà Nội, độ che phủ của cây xanh toàn thành phố là 11,7%, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh là 26,3% và phân bố không đồng đều. Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã lên kế hoạch phát triển đô thị xanh ở địa phương mình, với mục tiêu tạo không gian xanh giúp cải thiện môi trường và chất lượng cuộc sống cho người dân.
Theo kế hoạch năm 2023, thành phố Hà Nội sẽ tiến hành trồng 133.629 cây xanh, năm 2024 trồng 145.853 cây xanh, năm 2025 trồng 118.760 cây xanh. Trước đó, trong các năm 2021, 2022 đã hoàn thành khối lượng thực hiện 101.708 cây xanh. Cụ thể, năm 2023 Hà Nội sẽ trồng bổ sung, thay thế cây bóng mát vào những vị trí cây chết, hố trống, cây cong, xấu, nguy hiểm, già cỗi, kém phát triển, cây không thuộc danh mục cây đô thị trên trên tuyến phố và khuôn viên các trụ sở trường học, bệnh viện; đầu tư cải tạo xây dựng các vườn hoa, sân chơi, công viên.
TP.HCM triển khai kế hoạch phát triển công viên và mở rộng mảng xanh đô thị.
Trồng các cây mảng khóm tạo cảnh quan tại các tuyến phố trên địa bàn các quận; trồng cây tạo dải xanh, cải tạo môi trường tại các trục quốc lộ, tỉnh lộ, vùng bán kính 500 m ảnh hưởng khu xử lý rác thải Xuân Sơn. Cùng với đó là trồng cây xanh thuộc phạm vi các dự án xây dựng do Thành phố đầu tư và 13 dự án đầu tư xây dựng đường giao thông thuộc Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đến 2025 tại 5 huyện Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng...
Theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị, tiêu chuẩn thiết kế, mật độ cây xanh công cộng đối với đô thị đặc biệt như TP.HCM là 15 m2/người. Trong khi đó, mật độ cây xanh công cộng đầu người hiện tại của TP.HCM thấp hơn rất nhiều, chưa đến 1 m2/người. Do đó, diện tích cây xanh hiện tại còn thiếu so với tiêu chuẩn của một đô thị loại đặc biệt.
Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng TP.HCM đặt chỉ tiêu từng bước nâng cao chất lượng sống, cải thiện môi trường, nâng cao chỉ tiêu đất cây xanh trên địa bàn, đáp ứng theo chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh sử dụng công cộng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy hoạch chung của thành phố. Đồng thời, theo Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, thành phố cũng có mục tiêu tăng thêm tối thiểu 150 ha đất công viên và 10 ha mảng xanh công cộng, tương đương trồng mới 10 triệu cây xanh các loại.
Thành phố Hà Tĩnh đặt mục tiêu trồng 100.000 cây xanh trong giai đoạn 2020 – 2025. Kể từ tháng 10/2020, địa phương này triển khai chương trình trồng mới 100.000 cây xanh đô thị đến nay địa phương đã trồng mới được 85.000 cây xanh, đạt 85% kế hoạch 100.000 cây xanh đô thị. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, các địa phương, đơn vị và nhân dân trồng thêm hơn 16.000 cây.
Địa phương này xác định, trồng cây xanh là một trong những chương trình đầu tiên sau Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XXI, xác định mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm bao trùm toàn khóa. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành chỉ thị về phát triển hệ thống cây xanh đô thị; HĐND ban hành nghị quyết về việc quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển cây xanh trên địa bàn; UBND thành phố xây dựng kế hoạch, triển khai các phong trào ra quân rầm rộ khắp các địa phương, đơn vị, huy động toàn thể các tầng lớp nhân dân vào cuộc.
Ngay từ đầu năm các địa phương đã đẩy mạnh triển khai kế hoạch trồng mới cây xanh trong đó có khu vực đô thị.
Tại tỉnh Bình Thuận, trong năm 2023 địa phương này triển khai trồng mới ít nhất 6.000 cây xanh trong đô thị trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch chăm sóc, quản lý cây xanh đô thị, thường xuyên theo dõi, đề xuất trồng bổ sung hệ thống cây xanh trên các tuyến đường nội thị; tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ cây xanh đô thị; thường xuyên tổ chức kiểm tra chặt hạ, thanh lý đối với các cây xanh có nguy cơ gây nguy hiểm cho an toàn giao thông, mỹ quan đô thị; đồng thời, trồng lại bằng loại cây phù hợp… theo quy định phân cấp, quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh
Hướng tới mục tiêu xây dựng Vũng Tàu thành đô thị xanh, đô thị sinh thái, UBND thành phố Vũng Tàu đã phê duyệt đề án “Phát triển cây xanh đô thị thành phố Vũng Tàu tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, chiến lược của thành phố là bảo tồn, tôn vinh giá trị khung thiên nhiên và giá trị văn hóa đô thị, gìn giữ hình thái đặc trưng của hệ thống rừng ngập mặn trong quá trình phát triển không gian đô thị, gắn với phát triển du lịch sinh thái. Theo đó, có 92 loài cây xanh đô thị theo các loại hình không gian công cộng khác nhau như đường phố, công viên, vườn hoa, khu vực ven biển, khu vực công nghiệp và rừng. Vũng Tàu phấn đấut rở thành thành phố du lịch có diện tích xanh đạt tối thiểu 20m2/người, diện tích trồng cây xanh tăng từ 15,9ha lên 20-25ha,.
Phát triển hạ tầng đô thị xanh là mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật (gồm giao thông, chiếu sáng, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải…) và công trình hạ tầng xã hội (gồm công viên, cây xanh…) trong đô thị theo hướng xanh, an toàn, bền vững. Hạ tầng xanh không chỉ đơn giản là trồng nhiều cây xanh hay xây dựng các không gian xanh đô thị mà còn rất nhiều giải pháp phải được thực hiện đồng thời và trên tất cả các quy mô, từ nhà ở, đơn vị ở, đô thị đến quy mô vùng, bằng các giải pháp khá đa dạng với những đặc trưng tự nhiên hoặc dưới dạng nhân tạo.
Việt Nam hiện có 870 đô thị các loại, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40,5% (tăng gần 10% so với năm 2010). Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, tạo nhiều thách thức trong công tác phát triển hạ tầng đô thị để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như bảo đảm chất lượng, môi trường sống của người dân. Do vậy, phát triển hạ tầng xanh, an toàn và bền vững, trong đó việc mở rộng mảng xanh đô thị đang là một hướng đi được xem xét, vận dụng vào thực tiễn phát triển đô thị ở Việt Nam hiện nay.
Lê Hằng
Bình luận