Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ hai, 22/01/2024 08:01
TMO - Việc phân loại rác tại nguồn, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt không chỉ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường mà còn giúp tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý.
Hiện nay tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên cả nước là 60.000 tấn/ngày, trong số đó có khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có khoảng trên 70% lượng rác thải sinh hoạt hiện đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh.
Trong đó, tại thành phố Hà Nội lượng rác sinh hoạt đô thị phát sinh hàng ngày khoảng 7.000 tấn/ngày. Hiện bãi rác Nam Sơn đã quá tải và Hà Nội đã có một số nhà đầu tư đăng ký đầu tư khu xử lý rác thải ở Sóc Sơn, Nam Sơn và một số nơi khác nhưng cũng mới chỉ có một Nhà máy đốt rác phát điện. Tại TP.HCM, mỗi ngày phát sinh khoảng 10.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị. Thành phố này đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư xử lý rác thải hàng chục năm trước nhưng chủ yếu là dùng phương pháp chôn lấp. Hiện nay hầu hết các bãi rác này đã sắp quá tải và đang hàng ngày gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như bãi rác Đa Phước.
Phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử lý rác thải. Ảnh: HL.
Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,” trong đó đặt mục tiêu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp trên tổng lượng chất thải được thu gom đến năm 2025 giảm dưới 30%, đến năm 2030 là dưới 10%. Thực hiện lộ trình này, các địa phương phải giảm dần tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp khi đầu tư hoặc vận hành cơ sở xử lý.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố quy định cụ thể phân loại rác tại nguồn dành cho hộ gia đình. Thời gian chính thức phân loại bắt đầu từ ngày 1-1-2025. Theo đó, rác thải được chia làm ba nhóm chính gồm: nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; nhóm chất thải thực phẩm; và nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác.
Trong đó, nhóm chất thải không thể tái chế có thể được chuyển đổi thành nhiên liệu thay thế hoặc nguyên liệu thô thông qua giải pháp đồng xử lý đang được một số đơn vị, công ty môi trường ưu tiên (đồng xử lý là một giải pháp trong tháp quản lý chất thải bền vững đứng sau giải pháp tái chế). Qua giải pháp đồng xử lý, chất thải không thể tái chế hoặc giá trị thấp có thể trở thành nhiên liệu cho nhà máy xi măng. Cụ thể, chất thải được hướng dẫn phân loại tại nguồn sẽ được đưa về nhà máy tiền xử lý.
Số rác thải này sẽ được đưa vào máy phá hủy kết cấu, cắt và nghiền nhỏ đến khi đạt kích thước tiêu chuẩn của nhiên liệu đầu vào nhà máy xi măng. Tận dụng các lò nung xi măng hiện có, chất thải trở thành nhiên liệu (thay thế cho than hoặc các loại nhiên liệu hóa thạch khác) được đốt ở nhiệt độ lên đến 2.000oC.
Nhiệt độ cao và ổn định, môi trường oxy hóa thời gian lưu cháy dài cho phép tiêu hủy hoàn toàn chất thải. Khí thải phát sinh trong quá trình đốt bị triệt tiêu hoàn toàn và kiểm soát bằng hệ thống quan trắc tự động. Tro còn lại sẽ được phối trộn cùng clinker sản xuất xi măng. Giải pháp đồng xử lý chất thải là câu trả lời tối ưu cho bài toán không chôn lấp chất thải, hạn chế khai thác tài nguyên, khoáng sản và giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Từ đó, giải pháp này giúp kéo dài vòng đời các sản phẩm, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nỗ lực tiến đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trên địa bàn cả nước hiện có khoảng 1.712 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt (bao gồm 467 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 38 dây chuyền sản xuất phân compost, khoảng 1.207 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt). Bên cạnh đó, những năm gần đây, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt để thu hồi năng lượng cũng đã và đang được các địa phương quan tâm đầu tư. Tính đến ngày 18/1/2024, có 3 nhà máy đốt rác phát điện đã đi vào hoạt động tại Hà Nội, Bắc Ninh, Cần Thơ và có 15 dự án đầu tư nhà máy đốt rác phát điện đang triển khai xây dựng tại một số tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh.
Việc đưa vào vận hành các nhà máy đốt rác phát điện đã góp phần đưa rác thải thành nguồn tài nguyên.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mặc dù công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã được quan tâm, tuy nhiên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc như: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp trực tiếp còn cao; việc triển khai các dự án/cơ xử lý chất thải rắn sinh hoạt với công nghệ hiện đại còn chậm... Do đó, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt là vấn đề đòi hỏi các địa phương cần phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ, thống nhất và có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, của người dân, doanh nghiệp cùng toàn xã hội.
Để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải, thời gian tới, các cấp, ngành tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường của người dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, các địa phương cần đẩy mạnh nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng giảm chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải nhằm lựa chọn các mô hình phù hợp để nhân rộng trên phạm vi cả nước. Áp dụng các công nghệ tái chế hiện đại, thân thiện với môi trường thay thế các công nghệ cũ, lạc hậu ở các cơ sở tái chế.
Thu Hương
Bình luận