Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ bảy, 23/04/2022 13:04
TMO - Để sớm hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng, đáp ứng đủ điều kiện trở thành đô thị loại 1 và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều giải pháp đầu tư hạ tầng, cơ chế chính sách thuận lợi thu hút nguồn lực, nhà đầu tư cho các công trình, nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị.
Bắc Ninh đang là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp và đô thị. Hiện tại, tỉnh có 2 thành phố thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn và 6 huyện, trong đó có 2 đô thị loại 4 là Quế Võ và Thuận Thành. Bắc Ninh cũng đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, các huyên sẽ trở thành quận hoặc thị xã.
Thời gian qua nhằm hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường trong sự phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh.
Trạm xử lý nước thải sinh hoạt tại thành phố Bắc Ninh
Hiện nay, nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại TP Bắc Ninh được xây dựng từ những năm 2003-2004, với công suất 17.500m3 ngày/đêm, xử lý được khoảng 30% lượng nước thải toàn thành phố. Tại TP Từ Sơn cũng đã có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt từ năm 2016-2017 với công suất 33.000m3 ngày đêm, xử lý được khoảng 70% lượng nước thải toàn thành phố.
Các đô thị khác của tỉnh Bắc Ninh cũng đều có dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải, với công suất khác nhau. Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục chỉ đạo các địa phương hoàn thiện dự án, sớm đưa nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt vào vận hành.
Xử lý nước thải tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được chú trọng
Bắc Ninh hiện một trong những địa phương có số lượng khu công nghiệp lớn của khu vực phía Bắc và hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương tỉnh Bắc Ninh phấn đấu nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh năm 2022 đạt khoảng 43%.
Vì thế, các chỉ đạo, đề án và chương trình phát triển đô thị, kế hoạch đầu tư công của tỉnh đều đưa các danh mục xây dưng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị vào và coi là mục tiêu để ưu tiên đầu tư. Từ những năm 2015, các khu nhà ở, khu đô thị của Bắc Ninh đều thiết kế, thi công tách riêng hệ thống mạng lưới thu gom nước thải riêng, nếu chưa có nhà máy xử lý nước thải sẽ cờ đấu nối sau này.
Các bể xử lý nước thải sinh hoạt tại KCN trên địa bàn tỉnh
Sau thời gian triển khai vận hành các nhà máy xử lý nước thải, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã nhận thấy nhiều vấn đề. Nhằm khắc phục hiệu quả những vấn đề đã xảy ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành phân cấp về địa phương, để chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm xử lý vấn đề môi trường trên địa bàn.
Ngoài ra, các chỉ tiêu xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, Bắc Ninh đều đã đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu của tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trong đó nêu rõ đến năm 2025, tỷ lệ hệ thống xử lý nước thải tập trung ở đô thị loại 4 đạt 80% và 100% chung cư, tòa nhà cao tầng phải có hệ thống xử lý nước thải. Trong chương trình phát triển độ thị và Kế hoạch đầu tư công của tỉnh cũng ưu tiên các công trình xử lý nước thải sinh hoạt.
Thời gian qua, các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã có những kế hoạch về đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn. Theo đó, huyện Tiên Du đã phê duyệt chủ trương đầu tư công trình xử lý nước thải có công suất 12.000m3 ngày/đêm và dự toán gần 500 tỷ đồng; huyện Yên Phong đã duyệt chủ trương đầu tư nhà máy xử lý nước thải với công suất là 10.000m3 ngày đêm, tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng.
Các huyện Lương Tài, Gia Bình, Thuận Thành đều có định hướng xây dựng các công trình xử lý nước thải sinh hoạt. Các công trình này đều là công trình ưu tiên, cụ thể là ưu tiên về vốn, giải phóng mặt bằng… để sớm hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng, đáp ứng tiêu chuẩn Bắc Ninh trở thành đô thị loại 1 và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 2030.
Thu Thảo
Bình luận