Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ sáu, 27/10/2023 13:10
TMO - Phát triển các khu công nghiệp giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế tại tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, địa phương này chú trọng công tác bảo vệ môi trường tại các khu vực kinh tế trên.
Thực hiện Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, những năm qua, Vĩnh Phúc đã ưu tiên đầu tư phát triển các khu công nghiệp, đặc biệt là hướng đến xây dựng các khu công nghiệp xanh, thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải, khí thải, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần hình thành sản xuất xanh, tăng trưởng xanh bền vững.
Hiện toàn tỉnh có 9 khu công nghiệp (KCN) và 16 cụm công nghiệp (CCN) đã thành lập, giao chủ đầu tư cùng gần 80 làng nghề và làng có nghề, theo đó lượng chất thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng lên nhanh chóng. Thực tế này đòi hỏi công tác xử lý môi trường đặc biệt là thu gom xử lý rác, nước thải cần được chú trọng triển khai.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2022, tổng lượng nước thải KCN phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng gần 22 nghìn m3/ngày đêm; tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh khoảng 6,3 triệu tấn, chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh hơn 52 nghìn tấn... Theo báo cáo của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, đến nay, 9 khu công nghiệp đi vào hoạt động đều bảo đảm đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo quy định, gồm: Hệ thống quan trắc nước thải tự động, hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước mưa, khu vực lưu giữ chất thải rắn và các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khác.
Thu gom, xử lý nước, rác thải tại các KCN, CCN là nhiệm vụ quan trọng được ngành chức năng tỉnh tăng cường giám sát, kiểm tra. Ảnh: NL.
Toàn tỉnh hiện có 23 đơn vị do Bộ TN&MT cấp phép đang hoạt động thu gom, vận chuyển xử lý chất thải nguy hại cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh, với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại các địa phương với nhiều cơ sở, doanh nghiệp mới, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung, quản lý việc xử lý chất thải nói riêng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Phần lớn các làng nghề trên địa bàn đều nằm trong khu dân cư với quy mô nhỏ, không có các hệ thống thu gom, xử lý chất thải đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Tại các CCN, việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại mới chỉ được thực hiện tại các doanh nghiệp có lượng phát sinh lớn, đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ yếu nguồn thải phát sinh số lượng nhỏ vẫn chưa chấp hành nghiêm túc.
Để phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc luôn coi việc kiểm soát ô nhiễm các nguồn thải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường và được duy trì thực hiện thường xuyên. Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) đã tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT tại các KCN,CCN, cơ sở sản xuất kinh doanh; có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, qua thanh tra, kiểm tra, lực lượng Cảnh sát môi trường ( Công an tỉnh) đã phát hiện gần 440 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm (tăng hơn 70 vụ so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, có 1 vụ vi phạm tại KCN do không thu gom, phân loại chất thải rắn thông thường, không thu gom, lưu giữ, phân loại chất thải nguy hại theo quy định; 8 vụ vi phạm liên quan tới hành vi đốt chất thải rắn thông thường không đúng quy trình kỹ thuật, quy định… Đồng thời, từng bước đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quản lý, xử lý chất thải công nghiệp.
Hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường trong đó có xử lý nước thải, thu gom rác thải, cây xanh... góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp.
Hướng tới xây dựng môi trường xanh bền vững, trong công tác thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc đều quy định và thể hiện rõ quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”. UBND tỉnh đã quy định rõ danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án hạn chế thu hút đầu tư, không thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, đặc biệt quan tâm đến các phương án bảo vệ môi trường, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, bắt kịp xu hướng Net Zero trên thế giới.
Cùng với đó, chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường. Hằng năm, ngân sách tỉnh dành hơn 1,5% tổng chi ngân sách thường xuyên cho công tác bảo vệ môi trường; huy động nguồn vốn, lồng ghép trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng cống rãnh và nạo vét các thủy vực tiếp nhận nước thải, chương trình xây dựng nông thôn mới, Làng văn hóa kiểu mẫu…
Với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các làng nghề, khu, cụm công nghiệp. Năm 2022, Vĩnh Phúc xếp thứ 9/63 tỉnh, thành cả nước về Chỉ số Xanh.
Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) là Bộ Chỉ số đánh giá và xếp hạng chất lượng quản trị môi trường địa phương dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh, từ đó, cung cấp thông tin phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở cả cấp Trung ương và địa phương, nhằm triển khai các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như tính bền vững của doanh nghiệp.
Để duy trì và nâng cao Chỉ số Xanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thời gian tới, Vĩnh Phúc tập trung triển khai các nhóm giải pháp chính gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường. Tiếp tục thực hiện tốt các quy định về bảo vệ, phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường, bảo vệ tài nguyên nước, quản lý hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh; quy trình ứng phó sự cố và tổ chức diễn tập, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra các sự cố, thảm họa gây ô nhiễm nguồn nước và mất an toàn cấp nước…
Tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải, nước thải; giám sát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, đảm bảo đến năm 2025, 100% các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động hoặc xây dựng mới có đầy đủ hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định…
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý về bảo vệ môi trường, khuyến khích các hoạt động sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư sản xuất gắn với công tác bảo vệ môi trường.
Thùy Trang
Bình luận