Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 12:01
Thứ sáu, 03/02/2023 22:02
TMO - Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và tại các khu, cụm công nghiệp nói riêng. Trong đó, ưu tiên thu hút những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, đảm bảo cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng và thực tế giải quyết ô nhiễm tại khu vực kinh tế này.
Hiện nay, trên địa bàn có 5 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động đều được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết của toàn khu. Tất cả 121 dự án đầu tư trong KCN đã thực hiện các thủ tục pháp lý về môi trường theo quy định. Các chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các chủ dự án đầu tư thứ cấp đều phải tuân thủ thực hiện theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh trong các doanh nghiệp được thu gom lưu trữ và thuê đơn vị chức năng vận chuyển xử lý. Nước thải, khí thải phát sinh được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả thải, không có hiện tượng doanh nghiệp tự xả chất thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường.
Bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN là một trong những mục tiêu quan trọng mà tỉnh Ninh Bình hướng đến trong phát triển kinh tế-xã hội.
Nhằm tiếp tục nâng cao công tác bảo vệ môi trường tại khu vực kinh tế này, nhiều ý kiến cho rằng thời gian tới tỉnh Ninh Bình cần rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (CCN) để đảm bảo đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; cần xem xét lại mối quan hệ qua lại giữa quy hoạch phát triển KCN, CCN tại mỗi vùng kinh tế với quy hoạch của các ngành kinh tế - xã hội khác trong vùng; quy hoạch phát triển KCN, CCN tại mỗi vùng cần phù hợp với điều kiện tài nguyên, đặc điểm kinh tế - xã hội, triển vọng thị trường.
Quá trình lập quy hoạch phải tính ngay tới các tác nhân gây ô nhiễm môi trường và đề xuất các giải pháp giảm thiểu và bảo vệ môi trường. Việc thành lập và phát triển KCN phải đảm bảo tuân thủ đúng với quy hoạch đã được phê duyệt. Thu hút đầu tư vào KCN, CCN theo hướng ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, đảm bảo cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng và thực tế giải quyết ô nhiễm của địa phương; thu hút có trọng điểm để phát triển các ngành kinh tế chủ lực cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong bố trí nhà máy, xây dựng phương án bảo vệ môi trường.
UBND tỉnh cần chú trọng công tác rà soát và tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc phân cấp quản lý môi trường theo hướng đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền và trách nhiệm trực tiếp về công tác bảo vệ môi trường cho các Ban quản lý các KCN. Các Ban quản lý phải được trao đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm liên quan đến bảo vệ môi trường trong KCN. Ngoài ra, các văn bản cũng cần phân định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư KCN, CCN với các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư trong KCN trong công tác bảo vệ môi trường.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trong KCN, CCN. Nghiên cứu phát triển mô hình KCN, CCN thân thiện với môi trường, trước hết là thí điểm, sau đó nhân rộng ra toàn tỉnh. Chủ đầu tư KCN chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của KCN; xây dựng và hoàn thiện các hệ thống xử lý nước thải tập trung, các hạng mục này cần được thiết kế đúng và phù hợp điều kiện thực tế, xây dựng và lắp đặt đúng thiết kế, duy trì hoạt động ổn định và hiệu quả trong suốt quá trình hoạt động của KCN; tham gia ứng phó các sự cố môi trường trong KCN.
Hệ thống thu gom nước thải là một trong những hạ tầng môi trường quan trọng tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chủ đầu tư KCN cần bố trí địa điểm và xây dựng các khu vực lưu giữ tạm thời và trung chuyển các chất thải rắn, chất thải nguy hại từ các doanh nghiệp trong KCN. Tất cả các doanh nghiệp trong KCN có nước thải phải xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn đầu vào của hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi thải vào hệ thống thu gom nước thải của KCN, trường hợp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì từng doanh nghiệp phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra ngoài. Các doanh nghiệp có phát sinh khí thải phải có hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả thải. Các doanh nghiệp trong KCN có phát sinh chất thải nguy hại phải có hợp đồng với các đơn vị có chức năng và đủ năng lực để thu gom và xử lý đúng cách.
Về pháp luật môi trường: UBND tỉnh cần rà soát, bổ sung và tiếp tục điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về môi trường, trong đó hướng dẫn cụ thể, quy định rõ các nhiệm vụ cần thực hiện trong công tác bảo vệ môi trường cho các cơ quan quản lý nhà nước; ban hành, cập nhật các tiêu chuẩn môi trường cho phù hợp với thực tế. Đối với các công trình xử lý chất thải của doanh nghiệp thì cần quy định rõ về tiêu chuẩn, chế độ vận hành để thống nhất thực hiện, đảm bảo được chất lượng của các công trình, nhất là đối với nhà máy xử lý nước thải tập trung của các KCN, khắc phục tình trạng vận hành không thường xuyên, công nghệ chưa phù hợp như hiện nay; hướng dẫn quản lý vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung.
Huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư các công trình môi trường của KCN, CCN, bao gồm: vốn doanh nghiệp phát triển hạ tầng, vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng (kể cả Quỹ Môi trường), vốn ODA, vốn từ ngân sách nhà nước, trong đó, vốn doanh nghiệp phát triển hạ tầng là chủ yếu. Ban hành cơ chế, chính sách để tạo cơ sở cho việc hỗ trợ về tài chính, ưu đãi đầu tư đối với việc đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung các KCN, CCN, xem xét huy động, bố trí nguồn vốn với quy mô thích hợp để thực hiện tín dụng ưu đãi cho đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về môi trường trong các KCN, đồng thời xem xét điều chỉnh các chế tài để đảm bảo tính răn đe đối với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Đối với việc đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung, cần có những chế tài có tính bắt buộc đối với doanh nghiệp phát triển hạ tầng. Chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN cũng như các doanh nghiệp thứ cấp để giúp các doanh nghiệp ý thức rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của mình đối với vấn đề bảo vệ môi trường trong và ngoài KCN, khu kinh tế tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường các KCN; khuyến khích xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường.
PV
Bình luận