Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Chủ nhật, 14/05/2023 12:05
TMO - Tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Xây dựng môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn và bền vững, bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan do ảnh hưởng của việc ô nhiễm môi trường, thực phẩm không an toàn, thiếu nước sinh hoạt, nguồn nước kém chất lượng.
Thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Quảng Bình đặt mục tiêu đến năm 2025, tối thiểu 60% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ ngày. 70% công trình cấp nước tập trung hoạt động bền vững và tương đối bền vững, trong đó có ít nhất 40% hoạt động bền vững. Tối thiểu 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn; trong đó có 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý theo đúng quy định; triển khai 1 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hơn với điều kiện địa phương.
Bên cạnh đó, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Tối thiểu 80% chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường. 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định. 90% chất thải rắn và nước thai sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom và xuất theo quy định.
Đến năm 2025 tối thiểu 15% số hộ dân nông thôn áp dụng các biện pháp thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt có hiệu quả, phù hợp với điều điều kiện và đặc thủ khu vực; 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp tinh hình thực tế địa phương. Tối thiểu 85% hộ gia đình và 95% trường học, trạm y tế có nhà vệ sinh được xây dựng và quản lý, sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng được các địa phương đẩy mạnh triển khai.
Để đạt được các mục tiêu này, UBND tỉnh Quảng Bình đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành liên quan. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện theo hướng dẫn của Chương trình và thực hiện tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất kết quả thực hiện Chương trình và yêu cầu của cơ quan cấp trên.
Trong đó, đối với nhiệm vụ cấp nước sạch nông thôn UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng rà soát, điều chỉnh và cập nhật nội dung cấp nước sạch nông thôn vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt nông thôn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, suy thoái nguồn nước. Rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình cấp nước nông thôn, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các công trình cấp nước hiện có, nâng cấp, thay thế thiết bị, dây chuyền, áp dụng công nghệ xử lý, nâng cao chất lượng nước.
Đầu tư các công trình cấp nước sạch tập trung với quy mô lớn, đồng bộ liên xã, liên huyện theo hình thức xã hội hóa tại các vùng tập trung đông dân cư, có điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi; hỗ trợ đầu tư các công trình tại các vùng khó khăn, khan hiếm về nguồn nước; có biện pháp ứng phó với suy thoái nguồn nước, ổn định nguồn nước khai thác trong điều kiện chịu ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu. Thực hiện mô hình hỗ trợ, xử lý nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các đối tượng là hộ nghèo, gia đình chính sách đối với các xã, thôn không đầu tư được hệ thống cấp nước tập trung.
Tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu đến năm 2025, tối thiểu 60% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt chuẩn. Ảnh: BQB.
Đối với chất thải sinh hoạt: Hỗ trợ kỹ thuật, trang thiết bị để thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình. Xây dựng và triển khai mô hình phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các địa bàn có mật độ dân cư khác nhau và mục đích sử dụng chất thải sau phân loại; xây dựng sổ tay, tờ rơi hướng dẫn thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn. Tổ chức mạng lưới thu gom triệt để và hiệu quả; hình thành và hoàn thiện các phương thức thu gom phù hợp với đặc thù của từng huyện, thị xã, thành phố; bố trí và đầu tư hạ tầng các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp; trang bị các phương tiện, trang thiết bị lưu chứa rác tại khu vực công cộng đảm bảo thuận tiện, thân thiện môi trường và mỹ quan.
Huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Khuyến khích thành lập các tổ chức hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, đầu tư mua sắm tài sản, xe chuyên dụng để thu gom rác thải sinh hoạt nhằm nâng cao hiệu suất thu gom.
Xây dựng kế hoạch và đầu tư hệ thống, phương án thoát nước và biện pháp xử lý nước thải phù hợp đối với các cụm dân cư nông thôn lồng ghép vào các quy hoạch của địa phương; triển khai thực hiện theo các phương án đã xây dựng. Nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn áp dụng công nghệ tiên tiến, chi phí thấp, hạn chế hóa chất, dễ áp dụng đối với điều kiện của từng khu vực dân cư sau đó nhân rộng mô hình rộng rãi đến các địa phương trong toàn tỉnh.
Hỗ trợ đầu tư, nâng cấp xây dựng và vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn phù hợp đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường với từng làng nghề truyền thống, tập trung vào nhóm các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến hải sản, giết mổ gia súc, gia cầm…Xây dựng mô hình cải tạo môi trường làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch nông thôn. Xây dựng và nhân rộng mô hình cải tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, an toàn phù hợp với điều kiện địa phương, tăng cường trồng cây xanh, trồng hoa tại các tuyến đường giao thông nông thôn, đường làng ngõ xóm, khu vực công cộng.
Tổ chức theo dõi diễn biến chất lượng nước ao, hồ công cộng nằm trong khu dân cư nông thôn; cải tạo cảnh quan và khôi phục chất lượng môi trường nước khi bị ô nhiễm. Hỗ trợ xây dựng các mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm tại các huyện, thị xã, thành phố, các điểm bán thực phẩm đạt tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn. Khuyến khích các địa phương đã có mô hình chợ, điểm bán thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm nhân rộng mô hình trên địa bàn.
Thu Hà
Bình luận