Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 05:01
Thứ hai, 27/11/2023 07:11
TMO - UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương chủ động thực hiện sớm việc nạo vét kênh, rạch, đào ao, giếng... tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt,, hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hóa, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay phổ biến từ 1.100-1.600 mm (trung bình toàn tỉnh 1.445,3 mm), đạt 88% so với tổng trung bình nhiều năm (TBNN), đạt 74,1% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 90,2% so với TBNN cùng kỳ. Hiện tại, có 394/609 hồ chứa đã tích đầy nước, còn lại 215/609 hồ chứa thấp hơn mực nước dâng bình thường.
Dự báo từ tháng 11/2023 đến tháng 4/2024, khu vực tỉnh Thanh Hóa có lượng mưa ở mức xấp xỉ so với TBNN và phổ biến từ 70-150 mm, riêng khu vực vùng núi, thị xã Nghi Sơn, các huyện Nông Cống, Như Xuân, Như Thanh có nơi trên 150 mm. Nhiệt độ không khí trung bình có khả năng ở mức cao hơn so với TBNN khoảng từ 0,5-1 0C. Mực nước trên các sông dao động theo xu thế xuống thấp dần và ở mức thấp hơn so với TBNN cùng kỳ. Lượng dòng chảy trên sông Mã tại Cẩm Thủy, sông Chu tại Cửa Đạt ở mức thấp hơn so với TBNN cùng kỳ và thiếu hụt từ 20-50%, có nơi trên 50%.
Theo số lượng điều tra, khảo sát, tổng lượng nước mặt đến tỉnh Thanh Hóa trung bình hàng năm là 21,05 tỷ m3 (trong đó: nguồn nước ngoại sinh từ lưu vực sông Mã là 11,56 tỷ m3; nguồn nước nội sinh phụ thuộc vào lượng mưa hàng năm là 9,49 tỷ m3), đối với các năm hạn hán, thiếu nước, tổng lượng nước ứng với tần suất 85% là 14,84 tỷ m3 (giảm khoảng 30%); đến nay, tổng dung tích trữ được từ các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện là 2,15 tỷ m3 (trong đó: dung tích hữu ích để sử dụng hàng năm là 1,41 tỷ m3), trong khi, nhu cầu sử dụng nước ngọt hàng năm cho nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp khoảng 3,547 tỷ m3 (trong đó: nông nghiệp là 3,25 tỷ m3; phục vụ sinh hoạt là 254 triệu m3; công nghiệp là 43 triệu m3).
Dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nước ngọt đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh khoảng 3,662 tỷ m3 (trong đó: nông nghiệp là 3,179 tỷ m3; phục vụ sinh hoạt là 315 triệu m3; công nghiệp là 168 triệu m3); do phân bố nguồn nước trên địa bàn tỉnh không đều nên kết quả tính toán cân bằng nước và đánh giá khả năng đáp ứng nguồn nước cho thấy đến năm 2025, so với nhu cầu dùng nước, tổng lượng nước thừa là 10,1 tỷ m3 (tập trung ở 4 vùng: thượng nguồn sông Mã, thượng nguồn sông Chu, vùng sông Âm và vùng Nam sông Mã-Bắc sông Chu), tổng lượng nước thiếu là 0,507 tỷ m3 (tập trung ở 3 vùng: Nam sông Chu, Bắc sông Mã, hạ du sông Bưởi và cục bộ tại các vùng: hồ đập nhỏ, vùng chân ruộng cao khó tưới, vùng đuôi kênh,…).
Địa phương này triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại do nguy cơ thiếu nước trong mùa khô.
Với nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao, lượng nước trữ được từ các công trình thủy lợi, thủy điện chưa đáp ứng so với nhu cầu và tiềm năng, đồng thời trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, hiện tượng El Nino tiềm ẩn nhiều diễn biến bất thường, khó lường sẽ tác động lớn đến việc cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực vùng Nam sông Chu (Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương, Nghi Sơn,…), vùng Bắc sông Mã (Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc, Bỉm Sơn và một số xã thuộc huyện Vĩnh Lộc, thành phố Thanh Hóa), vùng hạ du sông Bưởi (một số xã thuộc các huyện: Vĩnh Lộc, Thạch Thành) và cục bộ một số vùng thừa nước nhưng chưa chủ động được nguồn nước (thiếu công trình chuyển nước và công trình khai thác nước tại chỗ).
Hiện nay, nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp là 3,25 tỷ m3 (chiếm 91,8% tổng nhu cầu sử dụng), dự báo đến năm 2025 là 3,179 tỷ m3 (chiếm 86,79% tổng nhu cầu sử dụng). Tuy nhiên, với đặc điểm phân bố nguồn nước không đều, nhu cầu sử dụng nước ngày tăng cả về chất lượng và số lượng, lượng nước trữ được từ các công trình thủy lợi, thủy điện chưa đáp ứng được so với nhu cầu và tiềm năng; trường hợp nắng nóng kéo dài trên diện rộng, các hồ, đập tích không đủ nước so với thiết kế, mực nước sông xuống thấp, diện tích có nguy cơ bị thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 13.300-17.200 ha tập trung ở các khu vực cụ thể:
Vùng cấp nước từ các hồ, đập, công trình thủy lợi khác với diện tích 8.700-11.000 ha, trong đó: Vùng cấp nước từ các hồ, đập lớn với diện tích có khả năng xảy ra thiếu nước, hạn hán từ 6.300-7.700 ha, tập trung chủ yếu ở khu vực đuôi kênh của các hệ thống kênh lấy nước từ hồ Cửa Đạt (hệ thống Bái Thượng, hệ thống Bắc sông Chu- Nam sông Mã), hồ sông Mực, hồ Yên Mỹ nằm trên địa bàn các huyện: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa, Triệu Sơn, Yên Định, Nông Cống, Nghi Sơn,…. Riêng đối với hồ Yên Mỹ, đến nay vẫn chưa tích nước được đến cao trình mực nước thiết kế (+20.36) m, chưa tương xứng với năng lực trữ nước của công trình (thiếu so với thiết kế khoảng 20,86 triệu m3).
Vùng cấp nước từ các hồ, đập, công trình thủy lợi nhỏ với diện tích có khả năng xảy ra thiếu nước, hạn hán từ 2.400-3.300 ha, tập trung chủ yếu ở khu vực trung du, miền núi thuộc các vùng Nam sông Chu, Bắc sông Mã, hạ du sông Bưởi và một số vùng thừa nước nhưng chưa chủ động được nguồn nước (thiếu các công trình tích, trữ nước; nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp không trữ được nước hoặc dung tích trữ chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực của công trình;….). Vùng cấp nước từ các trạm bơm điện với diện tích khoảng 4.600-6.200 ha...
Để chủ động ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, đảm bảo an toàn cho sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty Khai thác công trình thủy lợi tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; đồng thời, xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024.
Bên cạnh đó, tổ chức, huy động lực lượng toàn dân ra quân làm thủy lợi mùa khô trên địa bàn trong thời gian từ ngày 27/11/2023 đến ngày 27/12/2023. Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thuỷ lợi chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Sông Chu, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam sông Mã và các đơn vị có liên quan căn cứ diễn biến tình hình thời tiết, quy trình vận hành liên hồ, hồ chứa có liên quan và trên cơ sở mực nước hồ Cửa Đạt hiện có, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cung cấp nước cho cả vụ, từng tháng, từng đợt tưới đảm bảo đủ nước tưới, chống hạn vụ Đông Xuân năm 2023-2024 và đầu vụ Mùa năm 2024.
Các địa phương vận hành hiệu quả công trình thủy lợi, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các Nhà máy thủy điện vận hành phát điện với lưu lượng, thời gian phù hợp nhu cầu dùng nước, đồng thời duy trì mực nước ổn định để đảm bảo cho các trạm bơm dọc sông Mã lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo Công ty Điện lực Thanh Hóa tập trung duy trì đảm bảo cung cấp điện cho các trạm bơm tưới, đặc biệt là các trạm bơm đầu mối lớn, các trạm bơm vùng triều phải được ưu tiên cấp điện 24/24h để tranh thủ bơm nước phục vụ công tác chống hạn, xâm nhập mặn…
Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo triển khai công tác đo mặn, theo dõi giới hạn độ mặn 1‰ trên các tuyến sông Lèn, sông Mã, sông Yên, kịp thời thông tin cho Sở NN&PTNT, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, các Công ty Khai thác công trình thủy lợi, UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan để chỉ đạo công tác điều hành lấy nước chống hạn, tránh lấy phải nước mặn.
Đối với vùng tưới hồ, đập lớn, các nhà máy Thủy điện Cửa Đạt, Dốc Cáy vận hành phát điện theo lịch tưới đảm bảo nguồn nước cho các hệ thống Bái Thượng, kênh Bắc sông Chu- Nam sông Mã hoạt động phục vụ sản xuất; có biện pháp điều hòa, bổ sung nguồn nước giữa các công trình, các hệ thống công trình có liên quan như bổ sung nguồn nước tưới giữa hệ thống Bái Thượng về hệ thống sông Mực qua kênh N8, sử dụng trạm bơm tưới Trường Minh để tưới cho vùng đuôi kênh Nam hồ sông Mực, dành nước hồ sông Mực để cấp cho Khu kinh tế Nghi Sơn.
Tăng cường trữ nước từ các công trình, hồ đập: Bố trí kinh phí để thực hiện giải phóng mặt bằng lòng hồ Yên Mỹ nhằm nâng dung tích trữ hồ Yên Mỹ từ cao trình (+18.50) m lên (+20.36) m; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, nghiên cứu nâng cao trình đỉnh đập, tràn, nạo vét các hồ chứa tiềm năng để nâng dung tích trữ của hồ chứa (hồ Cống Khê, huyện Ngọc Lặc; hồ Hao Hao, thị xã Nghi Sơn;...); xây dựng mới các công trình hồ, đập ở khu vực miền núi theo quy hoạch để tăng khả năng trữ nước, khai thác nước phục vụ sản xuất; nạo vét các trục dẫn nước, xây dựng các hồ điều hòa: nạo vét các trục tiêu nội đồng tăng khả năng trữ nước mưa và nước hồi quy (nạo vét sông Trà Giang, sông Ấu, kênh Hưng Long, kênh Văn Thắng, kênh Chiếu Bạch) và xây dựng các hồ điều hòa khu vực thấp trũng như vùng Lưu Phong Châu, huyện Hoằng Hóa, vùng Quảng Xương vừa làm nhiệm vụ trữ nước, vừa tiêu thoát nước; nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống thủy nông Bái Thượng và Hoằng Khánh.
Đối với vùng tưới hồ, đập, công trình thủy lợi nhỏ: Tăng cường trữ nước, khai thác, sử dụng nước: Nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo tích, trữ nước, giảm khả năng khai thác so với thiết kế; đầu tư xây dựng các công trình mới để tăng cường khả năng tích, trữ nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Tăng cường công tác quản lý, vận hành để tiết kiệm nước; thực hiện tưới theo kế hoạch dùng nước đã lập và phê duyệt từng vụ, tiết kiệm ngay từ đầu vụ để dành nước cho thời gian cuối vụ Đông Xuân và đầu vụ Mùa; các hồ chứa tích chưa đầy nước, cần cân đối, rà soát diện tích tưới để có kế hoạch chuyển đổi sang trồng màu hoặc cây trồng khác sử dụng ít nước.
Đối với vùng tưới bằng trạm bơm điện Phối hợp, đấu mối để sớm hoàn thiện dự án Hệ thống thủy lợi sông Lèn; tiếp tục nghiên cứu các công trình ngăn mặn, giữ ngọt ở các cửa sông để cấp nước phục vụ sản xuất và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện công tác nạo vét kênh dẫn, cửa lấy nước để bơm nước phục vụ công tác tưới và chống hạn; chủ động tham mưu quyết định thời điểm đắp đập tạm trên kênh tiêu, sông nội địa để lấy và dâng nước cho các trạm bơm hoạt động. hường xuyên duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị của các trạm bơm điện để xem xét, quyết định việc tháo dỡ các trạm bơm nhỏ dự kiến được tưới thay thế bằng hệ thống kênh Bắc sông Chu-Nam sông Mã và giữ lại một số trạm bơm cần thiết sẵn sàng phục vụ tưới hỗ trợ chống hạn khi cần.
Mai Hương
Bình luận