Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ sáu, 09/06/2023 05:06
TMO - Để chủ động ứng phó, phòng, chống hạn hán, thiếu nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng yêu cầu các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại từ tình hình thời tiết khắc nghiệt.
Theo cơ quan chuyên môn, hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối mùa hè năm nay và duy trì đến năm 2024. Khi xảy ra hiện tượng này sẽ khiến nhiệt độ trung bình các tháng trên cả nước cao hơn bình thường, nắng nóng gay gắt hơn. El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa với mức phổ biến từ 25 đến 50%, nguy cơ cao xảy ra khô hạn trong các tháng mùa khô năm 2023 và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc.
Thống kê của ngành chức năng tỉnh Cao Bằng cho thấy, toàn tỉnh hiện có 23 hồ chứa nước do cấp tỉnh quản lý. Thời tiết nắng nóng kéo dài trong nhiều tháng qua đã khiến mực nước tại các hồ giảm mạnh, có đến 18/23 hồ chứa nước không đạt so với dung tích thiết kế, ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Theo Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh hiện có trên 3.600 công trình thủy lợi, 23 hồ chứa nước do cấp tỉnh quản lý. Trong đó chỉ có 5/23 hồ chứa đạt dung tích thiết kế, 9/23 hồ chứa đạt từ 69 - 96% dung tích, còn lại 9 hồ chứa dung tích đạt thấp so với thiết kế; một số hồ lượng nước tích trữ đã đến mực nước chết, ảnh hưởng đến công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất. Hệ thống kênh mương toàn tỉnh dài khoảng 4.565 km, trong đó 2.631 km được kiên cố hóa, đạt 57,63%; 1.934 km kênh đất; còn lại là kênh mương, đập, phai tạm và 80 trạm bơm.
Nhiều diện tích ngô tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đối diện với nguy cơ khô hạn do thiếu nước. Ảnh: BCB.
Vụ Xuân năm 2023, toàn tỉnh gieo cấy 3.545 ha lúa, 24.337 ha ngô, 3.754 ha thuốc lá, 424 ha đỗ tương. Qua thống kê, rà soát có 5.283,94 ha cây trồng của các huyện Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, Trùng Khánh… có nguy cơ bị ảnh hưởng do hạn hán. Trong đó, 284,73 ha lúa đã cấy bị hạn, 4.999 ha hoa màu bị ảnh hưởng. Thời điểm này có khả năng xuất hiện nhiều đợt nắng nóng, gay gắt hơn, công tác ứng phó, chống hạn bảo vệ cây trồng, bảo đảm sản xuất được ngành chức năng và chính quyền các địa phương quan tâm triển khai tích cực.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước có hiệu quả, tiết kiệm nước, điện triệt để, chống thất thoát, lãng phí nước. Chủ động kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các ao, hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để xây dựng kế hoạch vận hành từng hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, thủy điện; xác định cụ thể vùng đảm bảo tưới, vùng có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước để cảnh báo nhân dân tổ chức sản xuất, nuôi trồng cho phù hợp; xây dựng kế hoạch sử dụng và điều tiết nước hợp lý, ưu tiên cấp nước sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, nước uống cho gia súc, gia cầm và nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao khi xảy ra hạn hán...
Thực hiện nạo vét kênh mương, cống, cửa lấy nước, đào ao trữ nước, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi cấp nước sinh hoạt; lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, kéo dài đường ống dẫn nước để tận dụng tối đa nguồn nước nhằm giảm thất thoát, lãng phí; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn. Chủ động xây dựng phương án và thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nhất là đối với vùng Lục Khu (Hà Quảng) và các vùng cao khác trong tỉnh thường xảy ra thiếu nước sinh hoạt.
Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị quản lý, khai thác, vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt tự kiểm tra công trình, phát hiện thay thế các thiết bị hư hỏng, sửa chữa hạng mục xuống cấp để có phương án vận hành công trình phù hợp, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô. Chủ động bố trí sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước. Báo cáo tình hình nguồn nước, ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt gửi Sở NN&PTNT tổng hợp, báo cáo theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp tình hình nguồn nước, ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của các huyện, thành phố; chủ động phối hợp với các địa phương, sở, ngành đề xuất UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ các địa phương trong thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước theo quy định. Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch, giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước; chỉ đạo triển khai các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Thực hiện kiểm tra, hướng dẫn các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trống, bố trí cơ cấu giống, thời vụ, phổ biến các biện pháp kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với nguồn nước tưới. Thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước, kịp thời điều chỉnh phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước nhằm bảo đảm tốt nhất nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các biện pháp kỹ thuật để phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức và tăng cường tổ, đội quần chúng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng. Tập trung chỉ đạo tăng cường, chủ động kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ", phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa nắng nóng, hanh khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao.
Xử lý nghiêm các tổ chức, chủ rừng và cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, cháy, chữa cháy rừng. Tham mưu UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn nước, chủ động công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị vận hành công trình thủy điện, thủy lợi trên địa bàn đảm bảo phương án điều tiết, bố trí nguồn nước trong mùa nắng nóng.
Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, sử dụng tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn. Theo dõi, sử dụng tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn, cung cấp thông tin điều kiện nguồn nước để kịp thời chủ động thực hiện các biện phòng, chống hạn, thiếu nước. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và các địa phương thống nhất kế hoạch vận hành linh hoạt, điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước và khai thác hiệu quả tài nguyên nước trong cả mùa lũ, mùa cạn.
Công ty TNHH một thành viên Thủy nông thường xuyên kiểm tra, rà soát đánh giá nguồn nước, năng lực cấp nước của các công trình thủy lợi, rà soát toàn bộ diện tích của từng khu vực tưới của các công trình để có kế hoạch điều tiết nước cụ thể, hợp lý. Căn cứ khả năng cấp nước đưa ra cảnh báo đối với những diện tích không đảm bảo nước tưới cho các địa phương để kịp thời có hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng các máy bơm dã chiến và các vật tư, thiết bị để chủ động cho công tác chống hạn khi có nguy cơ hạn hán xảy ra.
Lập kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hư hỏng kịp thời các công trình thủy lợi được giao quản lý, khai thác; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương huy động nhân dân tổ chức nạo vét kênh mương, cống, cửa lấy nước đảm bảo cung cấp nước tưới cho diện tích đã hợp đồng, nhằm giảm thiểu tổn thất; thường xuyên theo dõi mực nước các hồ chứa, vận hành công trình hồ chứa theo đúng quy trình vận hành được phê duyệt; khi bạn hán xảy ra triển khai các giải pháp cấp bách để phòng, chống hạn hiệu quả.
Phối hợp với các công ty thủy điện trên địa bàn và các đơn vị liên quan trong công tác điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, đặc biệt là khu vực hạ lưu các thủy điện Bình Long, thủy điện Nà Tấu. Đối với các công trình thủy lợi sửa chữa do công ty làm chủ đầu tư, trong quá trình thi công cần có kế hoạch, biện pháp thi công phù hợp, không làm ảnh hưởng đến khả năng cấp nước của công trình. Thường xuyên theo dõi và báo cáo kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan về tình hình hạn hán, khả năng bị hạn để có biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Sở Công thương, Công ty Điện lực Cao Bằng chỉ đạo, đôn đốc các chủ hồ chứa thủy điện rà soát, lên phương án vận hành, sản xuất điện trong bối cảnh xảy ra thiếu nước tại các hồ thủy điện, đảm bảo cân đối nguồn nước phù hợp, ưu tiên dành nước của hồ thủy điện phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, phòng, chống hạn hán, thiếu nước. Phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến ý thức sử dụng tiết kiệm điện, đặc biệt là trong các tháng cao điểm nắng nóng.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và địa phương xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và cho công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước. Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh rà soát nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước, đảm bảo cấp nước an toàn cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân...
Lê Thư
Bình luận