Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ năm, 22/06/2023 13:06
TMO - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long liên tục xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Chính quyền địa phương và ngành chức năng đang nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng, chống sạt lở và giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn cho người dân.
Ngày 21/6, Ban Chỉ huy Phòng, Chống thiên tai và Tìm kiếm, Cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cho biết trên địa bàn xã Hòa Tịnh huyện Mang Thít xảy ra vụ sạt lở bờ sông. Đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 30m, ăn sâu vào bở 4-6m thuộc tuyến sông Bình Hòa, thuộc ấp Bình Tịnh A, xã Hòa Tịnh. Trước đó, vào ngày 20/6, đoạn này có dấu hiệu răn nứt. Đến khuya 20/6, sạt lở diễn ra khiến một đoạn kè kiên cố và ba căn nhà dân với 15 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Trong đó, có một căn nhà bị sạt lở hoàn toàn phần nhà phụ phía sau, phần nhà chính bị răn nứt nghiêm trọng; hai căn nhà bị nứt, nguy có cao bị đổ sập. Ước tổng thiệt hại hơn 350 triệu đồng.
Từ đầu tháng 6 đến nay, UBND tỉnh liên tiếp công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp tại các địa phương.
Ngày 13/6, UBND tỉnh Vĩnh Long đã công bố tình huống sạt lở khẩn cấp, sạt lở bờ sông Trà Ôn (đoạn từ trước chợ Tích Thiện đến trường THCS Tích Thiện), chiều dài 80m thuộc ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn. Vụ sạt lở nói trên xảy ra sáng 12/6 tại bờ sông Trà Ôn (đoạn thuộc ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, với chiều dài khoảng 80m. Hậu quả, 8 căn nhà liền kề sụp gần như hoàn toàn xuống sông, 1 căn khác có nguy cơ sụp, ảnh hưởng đến 21 nhân khẩu. Khu vực này đã xuất hiện nhiều dấu hiệu nguy hiểm, được dự báo sạt lở nên chính quyền địa phương đã di dời toàn bộ người dân và tài sản đến nơi an toàn.
Hôm 9/6, UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã có quyết định công bố tình huống sạt lở khẩn cấp tại bờ sông Cái Cao (đoạn từ nhà máy Vinh Quang đến hộ ông Đặng Thanh Sơn), chiều dài 460m thuộc ấp Phú An, xã Phú Đức, huyện Long Hồ, với mức độ sạt lở ở mức nguy hiểm. Đoạn sạt lở dài 300m, ăn sâu vào đất liền từ 3 đến 7m, làm ảnh hưởng đến 24 căn nhà của người dân sống cạnh đoạn sông này với 122 nhân khẩu. Có 6 căn nhà bị rạn nứt sân, hàng rào; nguy cơ phải di dời 2 căn nhà.
Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Long cho biết, tình hình sạt lở từ đầu năm 2023 đến nay là trên 80 điểm có chiều dài trên 15m, nếu tính cả phần sạt lở dưới 15m là gần 100 vụ sạt lở. Trường hợp sạt dưới 15m xảy ra nhiều ở huyện Trà Ôn. Sạt lở tại Vĩnh Long có nhiều nguyên nhân, như do tác động của con người dẫn đến thiếu lượng phù sa bồi đắp các bờ sông bị giảm, công tác quản lý xây dựng chưa chặt còn để xây dựng nhà ở cặp các mé sông làm tăng trọng tải nên dễ dẫn đến sạt lở. Đầu mùa mưa sự chênh lệch cột nước cao nên việc sạt lở cũng một phần do nguyên nhân này...
Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã chủ động triển khai nhiều công trình chống ngập, chống sạt lở bờ sông nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và góp phần chỉnh trang đô thị. Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, hiện các công trình đang được tập trung triển khai thực hiện, một số công trình đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Vốn thực hiện các dự án đều được cân đối, bố trí đáp ứng theo tiến độ thực hiện.
Tỉnh cũng đồng loạt thực hiện các công trình trọng điểm, như: Ðê bao chống ngập thành phố Vĩnh Long-khu vực sông Cái Cá; kè chống sạt lở bờ sông Long Hồ (khu vực Phường 1, Phường 5, thành phố Vĩnh Long); đê bao dọc sông Hậu tỉnh Vĩnh Long; đê bao sông Măng (giai đoạn 2); hệ thống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt xã Thanh Bình và xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm... với tổng vốn đầu tư khoảng 3.700 tỷ đồng...
Công tác gia cố tại đoạn bị sạt lở trên đê bao sông Măng Thít (thuộc xã Tân An Hội, huyện Mang Thít). Ảnh: TC.
Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung nhiều giải pháp để triển khai và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ nhằm bảo đảm kế hoạch giải ngân vốn. Trọng tâm là giải quyết nhanh và dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng các dự án; chỉ đạo các chủ đầu tư nắm sát tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch triển khai cụ thể và khối lượng đạt được hằng tuần, báo cáo khó khăn, vướng mắc để lãnh đạo các cấp chỉ đạo, giải quyết kịp thời. Tỉnh đã thành lập các tổ để kiểm tra việc triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào những dự án chậm tiến độ để có chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Nhằm giảm thiểu thiệt hại, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở đã luôn chuẩn bị sẵn sàng hành động theo phương châm “4 tại chỗ” (Lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Tại các khu vực xảy ra sạt lở, lãnh đạo các địa phương đã chủ động xuống hiện trường chỉ đạo lực lượng cứu hộ nhanh chóng làm rào chắn để người dân không qua lại khu vực nguy hiểm; giăng dây cảnh báo nguy hiểm tại khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở; tổ chức hướng dẫn và tạo lối đi tạm, an toàn cho người dân tại địa phương. Các địa phương đã vận động người dân di dời ra khỏi khu vực sạt lở và gần khu vực sạt lở; đốn hạ cây xanh, không chất tải nhằm hạn chế sạt lở tiếp tục xảy ra, gia cố tạm bằng cừ tràm, bạt nilon nhằm hạn chế sạt lở tiếp tục ăn sâu.
Sau khi các vụ sạt lở xảy ra trên địa bàn, Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự địa phương đã chỉ đạo lực lượng xung kích, công an, quân sự, ban, ngành đoàn thể xã cùng ban ấp đến hỗ trợ tháo dỡ nhà, di dời tài sản và các hộ dân đến nơi an toàn. Đồng thời, địa phương thực hiện giăng dây và cắm biển cảnh báo tại khu vực sạt lở để cảnh báo, hạn chế các phương tiện tham gia giao thông và người dân qua lại khu vực.
Đề cập các giải pháp quan trọng phòng, chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 nêu rõ: tăng cường quản lý nhà ở ven sông, ven biển làm gia tăng nguy cơ sạt lở, đồng thời từng bước di dời nhà ở, công trình xây dựng trái phép bảo đảm ổn định lâu dài; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm; tổ chức xây dựng công trình chỉnh trị và công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển; ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó có việc nghiên cứu vật liệu mới để thay thế cát, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng, chống sạt lở; tổ chức trồng, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển; tăng cường hợp tác quản lý nguồn nước và xây dựng hồ chứa thượng nguồn đối với các quốc gia thượng nguồn sông Mekong.
Nguyễn Chiến
Bình luận